>

* Từ nghèo kiết xác, cuộc đời tôi nay đã sang trang mới

Mong rằng những ai nghèo sẽ không quá tự ti, mặc cảm mà hãy tiếp tục sống, lao động và phấn đấu nhiều hơn...
* Tâm sự cùng tác giả bài viết "Làm giàu ai bảo không khó?"
Chào chú Hùng,
Đọc bài viết của chú, cháu như tìm thấy chính mình trong đó. Cháu không còn ở lứa tuổi mới lớn chập chững vào đời nhưng cũng chưa đủ lực và trí tuệ để thực hiện một phương án làm giàu như hoài bão của mình.
Gia đình cháu nghèo, "nghèo rớt mồng tơi" như người đời vẫn nói. Thực tế, ngày trước nhà cháu làm nghề nông. Cũng có vài công đất để ngày ngày vợ, chồng, con cái kéo ra đồng , khi thì gieo hạt, cuốc đất, bón phân, thu hoạch. Mỗi năm 2,3 vụ, bắp, đậu, lúa cứ xoay vòng. Ai cũng nghĩ, ngày hân hoan nhất của nhà nông là ngày thu hoạch, nào ai biết sau những bức tranh rộn ràng, tấp nập, gặt mùa là biết bao tâm trạng, rạng rỡ trên những gương mặt được mùa, nhưng đôi lúc lại là những nếp nhăn âu sầu, lo lắng và thất vọng do thất mùa, do phải trả nợ, do đã bán "nông sản non" để mua gạo, mua phân trước đó. Và rồi, Ba cháu làm thêm nghề đánh cá để kiếm tiền nuôi vợ và 5 đứa con thơ ăn học.

Ba tuổi, cái tuổi thơ mà người ta gọi là đẹp nhất. Cháu biết theo chị đi bán bắp ở chợ chiều. Lên 5 tuổi, khi bạn bè cùng trang lứa tung tăng đến trường mẫu giáo cùng ba mẹ thì cháu chiều chiều lại ra bến phà nhặt củi về cho mẹ nấu cơm hoặc đem bán. Rồi cháu cũng được đi học, vào lớp 1, học hết phổ thông, thậm chí là đến bây giờ, 27 tuổi cháu vẫn còn là một sinh viên đại học.

Cháu may mắn sinh ra trong một gia đình hiếu học. Dù nhà nghèo, đi làm quanh năm suốt tháng mặc cho mưa, bão, sóng gió và cả ngày quốc tế lao động 1-5, nhưng ba mẹ cháu vẫn chưa bao giờ có ý định cho con cái nghĩ học. Mà ngược lại, ba luôn khuyến khích và làm mọi cách để con cái được đến trường. Một ngày mưa tầm tã, chị em cháu đang trong kỳ thi học kỳ, cả xóm mất điện. Ba quyết định trèo lên mái nhà hàng xóm để sửa điện dù biết rằng nguy hiểm vô cùng. Nhưng vì vùng sâu, vùng xa, cả xóm chỉ có một cầu dao điện chung mà gọi mấy ngày rồi cùng chưa thấy bác thợ điện về làng.

Hẳn Chú không có gì ngạc nhiên khi nghe cháu nói " đến bây giờ cháu vẫn còn là một sinh viên". Năm cháu học lớp 6, Ba cháu phải nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy mấy tháng trời để mổ Thận. Và sau đó, Ba yếu hẳn đi, sức khỏe không còn như trước. Chiếc ghe bủa lưới và vài công đất đã bán để trang trải khoảng viện phí đắt đỏ so với một nhà nông. Mẹ lại bệnh sau đó, số đất còn lại được bán tiếp để cho mẹ đi Sài Gòn trị bệnh. Hai chữ Sài Gòn thời đó nghe xa xỉ vô cùng. Ai được đi Sài Gòn chơi là cả 1 ước mơ. Gia đình cháu bỗng chốc rơi tỏm vào một vị trí bèo bọt nhất của xã hội. Còn một số vốn nhỏ từ lần bán đất thứ 2, Ba bán luôn căn nhà đang ở và mua một miếng đất nhỏ ở thị trấn, cùng đứa em trai 8 tuổi của cháu bán vé số hằng ngày để nuôi gia đình qua bữa. Chị em cháu vẫn đi học, trong sự nghèo khó,c ũng may thay, được hỗ trợ từ phía nhà trường và xã hội dưới diện “ nghèo”.

Năm 18 tuổi, ngày chuẩn bị thi tốt nghiệp PTTH, cháu làm ngay 1 bộ hồ sơ xin việc, những mong có thể tìm được việc gì đó ngay sau đó để giúp đỡ cho Ba Mẹ. Nhưng cháu cũng khát khao được đi thi đại học một lần như chúng bạn. Thế rồi, sự khát khao đó thôi thúc cháu nộp đơn đi thi vào Trường Du Lịch. Không phải là Trường Đại Học mà chỉ là một trường nghề. Mong muốn của cháu lúc đó là làm sao để ra trường thật nhanh để đi làm, để kiếm tiền, và để giúp gia đình. Cháu thi đỗ, cầm lá thư báo nhập học kèm theo bảng thông báo học phí khiến nụ cười trên môi cháu tắt hẳn, niềm hy vọng được là sinh viên vừa lóe lên biến mất ngay trong tư tưởng.
Cháu giấu lẹm tờ giấy báo ấy cho đến cận ngày nhập học. Cháu cầm đến và đưa cho Ba. Ba hiểu tất cả và ôn tồn nói: “ Nhà mình đông con, con còn 3 đứa em nữa, Ba mẹ chỉ có thể lo cho con đến 18 tuổi. Giờ con đã đủ lông, đủ cánh, con có thể tự bay vào đời được rồi”. Tối hôm đó, ngồi dưới trăng, nước mắt cháu lăn dài trên má. Cháu không trách Ba, cháu hiểu gia đình mình đang khó khăn thế nào và cháu quyết định lên Sài Gòn học với kỳ học phí đầu tiên ba mẹ tích góp cho mình. Những mục tiêu phải có bằng ngoại ngữ, vi tính trong 18 tháng dường như bị bỏ lại trong lãng quên. Cháu lao vào các công việc làm thêm bất cứ giờ nào được rảnh, và bất kể ai mướn. Từ bán quán cơm, phục vụ nhà hàng và cả làm gia sư để có tiền ăn cơm, chi trả điện nước và đóng học phí cho các kỳ sau.
Gần như những công việc tay chân đã chiếm hết thời gian của cháu nên ngủ gục trong lớp học, trong thư viện, trên xe đạp khi trở về không phải là chuyện hiếm. Có những ngày bệnh chỉ còn đủ tiền mua thuốc, phải ăn nhờ nữa ổ bánh mì của bạn học mà uống thuốc, 500 đồng gửi xe đôi lúc trở nên khan hiếm và cháu phải xin khất nợ với anh bảo vệ trong trường mà không một ai hay biết. Những cuộc chơi cùng bạn bè với cháu là cả một thú vui xa xỉ vì ăn mì gói hàng tháng thường xuyên, bịch bánh mì 6 miếng (2000 đ) luôn là bạn đồng hành trong cặp sách mỗi khi ở lại thư viện học bài. Hầu như chưa bao giờ cháu tham gia những cuộc vui “ có đóng phí” do trường hay lớp tổ chức. Mặc dù vậy, cháu chưa bao giờ chùn bước. Ngược lại, hàng tuần cháu vẫn dành 2000 đồng để đến CLB Tiếng Anh vào sáng chủ nhật để tập nói ngoại ngữ và giao lưu với bạn bè. Hiếm khi được rảnh rỗi để ngồi nghĩ ra một cách kiếm tiền nhiều hơn, dễ hơn với một cô bé nông thôn 18 tuổi, một cô sinh viên không dám mua sách chuyên nghành để học, nghèo kiết xác, chiếc xe đạp cũ thường xuyên bị trật chân chó, chiếc áo dài cũ xin của cô em họ và đôi giày đứt quai vẫn còn cài hậu để tiện cho đi lại. Chạy xe lạch cạch trên con phố tấp nập người, cháu ngẩn ngơ với ý nghĩ “cái khó bó cái khôn”. Thầm nghĩ không biết bao giờ mình được như bạn bè cùng trang lứa.

Rồi cuộc sống cũng mỉm cười với cháu. Cuộc đời cháu mở sang một trang mới, khang trang hơn. Cháu ra trường với cái bằng loại khá và một công việc đúng chuyên ngành. Cháu dọn về ở trọ cùng cô bạn thân với căn phòng nho nhỏ nhưng ấm áp và thoải mái hơn; được ngả lưng ngay khi về nhà; điều mà trước đây cháu chưa bao giờ có thể khi phải ở nhờ nhà Cậu Mợ. Được học bài ngay trong phòng thay vì phải ngồi dưới cây cột điện hằng đêm, thậm chí là bữa cơm tối trong tĩnh mịch.

Một năm sau, em cháu vào Đại Học, thật may mắn là ĐH Sư Phạm thì SV không phải đóng tiền học phí. Nhưng đồng lương trung cấp chân chính của cháu không đủ để 2 chị em cháu có cuộc sống đầy đủ nơi đất khách. Cháu quay trở lại tất bật với 2 công việc (16 tiếng mỗi ngày) mới mong có thêm chút tiền mua quà cho em út những lúc về quê chơi hay lễ, tết. Như một thói quen, hễ được nghỉ hè hoặc rãnh rỗi, cháu lại tìm thêm việc gì đó để làm, để kiếm tiền như một người nô lệ bị đồng tiền chi phối.

Thú vui duy nhất của cháu không phải là mua sắm, họp mặt bạn bè, hay đi chơi với bạn trai… mà vô cùng đơn giản, chọn một góc khuất trên tầng cao của quán café nào đó khi rảnh rỗi, ngồi gặm nhấm café và nhìn người người qua lại và ngẫm lại những gì đã trải qua trong đời, vẽ ra một viễn cảnh tươi đẹp của ngày mai. Cái cảm giác được thoát khỏi dòng người tất bật, chen lấn mưu sinh thật thú vị làm sao! Trong phút chốc mình bỗng là một thượng đế dẫu biết rằng ngày mai, khi bình minh ló dạng, cũng là lúc mình trở về với cuộc sống đời thường, tất bất như bao ngày, như bao người, thậm chí còn vất vả nhiều hơn để vươn lên, vươn xa…

Thời gian thấm thoát thoi đưa, còn một năm nữa em trai cháu ra trường. Công việc tạm ổn định vì cháu được sếp tin tưởng và thương như con cháu. Cháu quyết định thi vào đại học dưới sự động viên nhiệt tình của sếp và đồng nghiệp; và cũng cho thỏa lòng khao khát ước mơ. Niềm vui được đến trường bừng lên và cháu thấy hạnh phúc vô cùng khi mỗi tối lại được đi học sau giờ làm, được học triết học, xã hội học, toán cao cấp… Những môn học mà hầu như nhiều sinh viên không lấy gì làm hồ hởi khi nhắc đến. Mấy tháng sau, được tin Cô em gái vừa đậu vào một trường cao đẳng trong thành phố. Niềm vui đến cùng với nỗi lo mặc dù gia đình đã khá hơn ngày trước. Số tiền Ba kiếm được cũng chỉ để có cuộc sống no ấm ở quê nhà chứ ở Sài Gòn, nó chẳng thấm thía là bao. Cháu lại làm nhiều hơn, lúc này, kiếm tiền không còn quá khó khăn như trước nhưng yêu cầu cuộc sống mỗi lúc một cao hơn, cháu muốn làm một điều gì đó đột phá. Nhưng cháu vẫn chưa có cơ hội, hay đúng hơn cháu vẫn chưa đủ lực và trí tuệ để thực hiện hoài bão của mình. Không dừng lại ở tiền, danh vọng và địa vị…Cháu muốn mình sáng lên từ chính những nỗ lực của mình nhưng sao khó quá như chú đã nói.

Hiện nay, cháu không phải là một Doanh Nhân, cũng chưa có gì để gọi là giàu Nhưng không có lý do gì để cháu phủ nhận sự tiến bộ của chính mình. Với một công việc khá ổn định và một tương lai đang mở rộng, ngẫm lại những ngày mình đã đi qua, cháu viết lại câu nói ngày xưa trên trang sách mới của cuộc đời mình: “ Cái khó ló cái khôn” . Và cháu sẽ cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa để thực hiện những điều mình đã ấp ủ từ lâu.

Cháu không thể so sánh với chú được, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau và sẽ có những cách xử lý khác nhau. Nhưng cháu thấy đồng cảm với bài viết của chú nên viết ra trang đời của mình. Mong rằng những ai có hoàn cảnh giống cháu sẽ không quá tự ti, mặc cảm để tiếp tục sống, lao động và phấn đấu nhiều hơn…vì có rất nhiều những mảnh đời khó khăn, cũng đang bươn chải mưu sinh, ngụp lặn giữa dòng đời như mình vậy…để cùng vươn tới một ngày mai bình minh rực rỡ, vẹn tròn hạnh phúc.

Xin chúc Chú và những ai đang đọc bài viết này luôn thành công và hạnh phúc, sớm thực hiện được những ước mơ và hoài bão của chính mình.

* Các doanh nhân 'siêu trẻ' với doanh nghiệp siêu nhỏ

Một số minh chứng đã cho thấy nhiều bạn trẻ lập công ty hoàn toàn không ngây thơ, bốc đồng như nhiều người tưởng; đồng thời cũng cho thấy thấy sức chịu đựng và khả năng sáng tạo của giới trẻ Việt là vô tận.
Đâu là nguyên nhân chính khiến các bạn đó mạnh dạn như vậy ? Và vì sao chúng ta nên động viên, khuyến khích và hỗ trợ họ ? Không phủ nhận khách hàng của công ty tư vấn chúng tôi hiện nay đa số là các doanh nhân có độ tuổi trên 25, nhưng con số các bạn trẻ dưới 25, thậm chí ở độ tuổi 20 – 22 cũng không ít. Họ có ngây thơ ? Có “trẻ con” ? Có “điên rồ” như một số ý kiến nhận định không ? Xin mời quý vị xem qua nội dung tóm tắt một số câu chuyện khởi nghiệp điển hình của người trẻ tại TP HCM, là khách hàng của chúng tôi, và sẽ có câu trả lời cho chính mình:

Câu chuyện thứ nhất:
“Hãy cho biết giá thấp nhất mà nơi khác đã chào, tôi sẽ có giá thấp hơn nữa” (Bạn Nguyễn Đình Hồng, sinh năm 1989, đến từ Nghệ An)
Lúc còn học cấp 3 ở quê nhà, Hồng đã mở một trại gà nho nhỏ ngay tại vườn nhà mình, với số vốn ít ỏi đi vay của bà con. Vượt qua các cơn dịch, cúm gia cầm triền miên, số tiền thu được đủ cho bạn trang trãi chi phí học hành ở trong và ngoài nhà trường. Sau khi không thi đậu vào Đại Học, biết rõ hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh đã sử dụng số vốn rất ít còn lại, vào TP HCM lập nghiệp. Sau hai năm trời lăn lộn làm đủ thứ việc lương thiện để tồn tại và tiếp tục đi học, anh đã tìm được hướng đi riêng cho mình: mở công ty với mục tiêu và kế hoạch bài bản hẳn hoi. Lý do giúp Hồng tự tin triển khai hành động: Anh sống trong nhà người quen có cơ sở nhỏ chuyên nhận gia công bảng hiệu quảng cáo. Ngày ngày “cày ải” trên chiếc xe đạp cũ mèm khắp TP HCM, chỉ cần thấy bảng hiệu nào đó rách hoặc quá cũ, ố màu, là “xông” vào gặp cho được người chủ để chào hàng. Chấp nhận lấy công làm lời, anh luôn thẳng thắn với khách hàng: “Hãy cho biết giá thấp nhất mà nơi khác đã chào, tôi sẽ có giá thấp hơn nữa; không cần đặt cọc, đảm bảo nếu chất lượng kém hơn sẽ không lấy tiền”.
Kết quả là đơn hàng đến với anh ngày một nhiều. Quy mô của xưởng gia công cũng lớn dần lên cho phù hợp. Cơ quan quản lý Nhà nước thường xuyên “ghé thăm”, kiểm tra giấy phép hoạt động. Khách hàng là các công ty thì yêu cầu xuất hóa đơn. Xem như việc mở công ty là yêu cầu bắt buộc. Chủ nhà nơi Hồng ở là những người thợ đơn thuần, vốn chỉ quen làm gia công nhỏ, không nhanh nhạy như Hồng. Vậy nên, không ai khác ngoài Hồng có thể đứng ra làm đại diện pháp luật của công ty, đăng ký với chức danh Giám đốc công ty TNHH một thành viên. Hiện Hồng vừa học vừa làm, vừa là Giám đốc vừa là… sinh viên.

Câu chuyện thứ hai:
“Vừa làm chủ vừa được học, giúp chúng tôi tiền ít sinh ra tiền nhiều, tiền nhiều sinh ra nhiều hơn nữa” (Bạn Huỳnh Anh Dũng, sinh năm 1988, đến từ Vũng Tàu)
Học cao đẳng, vừa làm vừa học, Dũng đã từng là sale nổi bật cho một số đơn vị có tiếng. Sau khi đưa ra ý tưởng và xây dựng dự án bán hàng đa cấp theo mô hình kết hợp café – giải trí – học hành cho các bạn trẻ, được nhiều người chấp nhận góp vốn, anh không vay mượn gia đình hay ải cả, mà huy động toàn bộ những gì mình đang có, cầm cả xe máy, điện thoại, tiện nghi trong nhà thuê, cùng với một số thành viên khác thành lập công ty cổ phần. Đến nay, sau nhiều tháng liên tục đi làm “thuyết khách” khắp thành phố từ 9h sáng đến 22h đêm mỗi ngày, Dũng đã huy động hàng trăm bạn trẻ, đặc biệt là các thủ lĩnh trong các công ty bán hàng đa cấp khác và một số giảng viên, diễn giả, doanh nhân có tiếng than gia. Hiện đang cải tạo mặt bằng và tiến hành xây dựng, dự kiến mô hình café – giáo - trí đầu tiên tại trung tâm TP HCM của “Dũng và cộng sự” sẽ khai trương vào quý 2 năm 2010.

Câu chuyện thứ ba:
“Nhu cầu vui chơi của các em nhỏ là rất lớn, các công ty khác chê lời ít không làm, chúng tôi làm” (Bạn Ngụy Bửu Danh, SN 1987, đến từ Thủ Đức, TP.HCM)
Từ lâu, “Danh và những người bạn” đã thường xuyên tổ chức các sự kiện vui chơi giải trí cho các em nhỏ, đặc biệt sôi động vào các đêm rằm, lễ tết như Tết thiếu nhi, trung thu, Noel, năm mới… Chính sự chịu khó, sáng tạo, cùng tình yêu dành cho các em nhỏ giúp họ được nhiều phụ huynh, cơ quan đoàn thể tín nhiệm. Tuy nhiên, về nguyên tắc, họ thiếu giấy phép hoạt động. Nếu tổ chức sự kiện tại phường của mình thì có thể tạm được “bỏ qua”, nhưng đến bất cứ địa phương nào khác, họ đều bị kiểm tra, không được đồng ý vì thiếu cơ sở pháp lý để tổ chức hoạt động. Kết quả, họ đã thành lập công ty TNHH (3 thành viên).

Câu chuyện thứ tư:
“Trung tâm gia sư hoạt động như nhau và đã nhiều như nấm sau mưa, nhưng công ty gia sư của tôi không phải là… nấm” (Bạn Lê Bảo Kim, SN 1986, quận 1, TP.HCM)
Cùng với người em trai của mình, Kim mở trung tâm gia sư ngay tại nhà từ hơn 3 năm nay (tức là từ khi mới 20 tuổi, em trai 19). Trung tâm gia sư thì đã quá nhiều, cách làm của chị em Kim có sự khác biệt phù hợp nên đã sớm thu hút được lượng lớn khách hàng cùng đội ngũ giáo viên bản ngữ giỏi. Tóm tắt thế này: Họ không dạy cho ai, mà thuê người khác dạy (cho cả chính họ). Người được mời dạy là những người giỏi, có chuyên môn sư phạm. Họ không chỉ dạy tiếng nước ngoài cho người Việt và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, mà còn dạy tiếng nước ngoài cho người nước ngoài và tiếng Việt cho… người Việt. Họ không chỉ dạy tại nhà hay một địa điểm cụ thể nào đó, họ chú trọng dạy 1 kèm 1 hoặc 1 kèm nhiều thông qua Internet. Họ không chỉ nhắm vào đối tượng khách hàng là cá nhân có nhu cầu học, họ đầu tư tiếp thị đến những doanh nghiệp, tổ chức (nhất là của nước ngoài và thuộc Nhà nước) đang có nhu cầu nâng cao khả năng ngoại ngữ hoặc ‘nội ngữ” cho cán bộ nhân viên của mình…
Đến lúc này thì không thể không lập công ty để nâng tầm thương hiệu, tăng uy tín và tạo cơ sở pháp lý để ký kết các hợp đồng lớn, để xuất hóa đơn, để tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Câu chuyện 5:
“Các công ty dịch vụ kế toán khác không thể đến với khách hàng ở xa ban đêm thì tôi đến, không tặng dịch vụ gia tăng thì tôi tặng” (Trịnh Lâm Duy, SN 1986, đến từ Bạc Liêu)
Tốt nghiệp Đại Học Mở TP.HCM, chỉ sau 1 năm đi làm, Duy đã nhận thấy mình không hợp với việc đi làm thuê, lại thấy ngay công ty mình cũng đang làm cũng thuê công ty khác làm dịch vụ kế toán, kiểm toán. Vậy là vay được một số tiền nhỏ từ gia đình, anh mở công ty dịch vụ kế toán mà bản thân còn chưa đủ điều kiện để hành nghề này(!). Cũng không sao, anh đâu có trực tiếp làm dịch vụ này cho khách hàng, mà thuê lại những người có nghề và bằng cấp chuyên môn khác. Công việc của Duy chủ yếu là quảng cáo miễn phí trên mạng, tiếp thị khắp nơi và cùng nhân viên đi gặp khách hàng để đưa hợp đồng về. Nếu các doanh nghiệp “lớn” hoặc tự cho là “lớn” khác không thể tận tình đến gấp với khách hàng ở xa tận nơi, vào cả ban đêm, ngày nghỉ, ngày Lễ, thì anh đi. Nếu các công ty dịch vụ kế toán kiểm toán lớn hơn khác vì chi phí cao không thể tặng thêm dịch vụ gia tăng khác thì anh làm, ví dụ: Tặng miễn phí dịch vụ thiết kế website (dạng cơ bản) hay miễn phí thực hiện đăng ký thuế ban đầu và mua hóa đơn cho khách hàng, v.v… Chính vì vậy, doanh nghiệp nhỏ của anh ngày càng trở nên là một đối thủ tiềm tàng “nguy hiểm” cho nhiều công ty cùng ngành lâu năm khác.

Còn nhiều câu chuyện khởi nghiệp rất trẻ khác không thể đề cập đến trong khuôn khổ có hạn của bài viết này. Cũng như tất cả các doanh nghiệp lớn nhỏ mới ra đời trên thế giới, thành công hay thất bại sau này còn để ngỏ. Nhưng một số minh chứng trên đã cho thấy nhiều bạn trẻ lập công ty hoàn toàn không ngây thơ, bốc đồng như nhiều người tưởng; đồng thời cũng cho thấy sức chịu đựng và khả năng sáng tạo của giới trẻ Việt là vô tận.
Điểm đáng chú ý chung của các bạn trẻ khởi nghiệp sớm nói trên là: Xác định được thị trường tiềm năng, chọn phân khúc thị trường cùng đối tượng khách hàng phù hợp; xét ở một mức độ nào đó, có thể nói các bạn đã chọn được thị trường ngách cho riêng mình. Không những thế, các bạn trẻ còn cho thấy sự sáng tạo, năng động, giàu ý chí, nghị lực, rất chịu khó, siêng năng; tự chủ, tự tin, không cần vốn lớn; và một điểm thú vị là nhiều người trong số họ có được khách hàng cùng đơn hàng ngay cả khi chưa chính thức mở công ty.

Lê Minh Đức, CEO Công ty tư vấn quản lý và xây dựng thương hiệu Sagovina

* Kinh nghiệm xương máu về lập nghiệp sớm của tôi

Nhân đọc bài “Nhiều bạn trẻ mở công ty riêng: Hiện tượng hay xu hướng mới ?” của anh Lê Minh Đức, tôi muốn chia sẻ một vài thông tin từ chính kinh nghiệm xương máu về lập nghiệp sớm của mình.
Bài học đầu tiên
Tôi là Bình Minh, sinh năm 1977. Năm 1999, tôi tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh – ĐH Kinh tế TP.HCM. Như nhiều bạn bè của mình hồi đó, lúc còn đi học cũng làm thêm nhiều công việc khác nhau, để vừa kiếm tiền, vừa tích lũy kinh nghiệm; và cũng như nhiều bạn trẻ đồng trang lứa, tôi đã từng nghĩ mình tốt nghiệp ĐH chính quy, ngành đang “hot”, với bằng khá trên tay, mình là “thứ ghê gớm” lắm, mọi thứ sẽ như được trải thảm cho mình. Dường như khởi đầu khá hoàn hảo, vì ngay sau khi tốt nghiệp, tôi đã được nhận vào một công ty khá lớn ở TP.HCM, với vị trí nhân viên kinh doanh.
Tôi tâm nguyện phải nỗ lực để nhanh chóng vươn lên vị trí cao hơn. Nhưng trong suốt hơn 2 năm làm việc ở đây, tất cả chỉ dừng lại ở vị trí Sale Executive, cái chức danh trên danh thiếp mà tôi chắc chắn là hầu hết đều không thích ! Thấy không thay đổi được gì, tôi đã thẳng thắn với Sếp:
Lựa chọn 1: Tăng lương, tăng chức vụ.
2- Ra đi.
Sếp nói hãy chờ đợi. Thêm vài tháng nữa trôi qua, không có gì thay đổi. Tôi đành chọn phương án 2.
Bài học 1: Nhiều người trẻ cứ cho rằng bằng đại học chính quy là ưu thế lớn, rồi tham vọng muốn làm quản lý sớm. Mọi thứ không hề đơn giản như vậy !
Bài học thứ hai
Sau đó, tôi cũng tìm được công việc có lương cao hơn (dù không nhiều), với chức vụ giám sát, nhưng quy mô công ty nhỏ. Thấy tiềm năng phát triển thấp, sau 6 tháng, tôi lại trằn trọc băn khoăn nhiều. Thêm nhiều tháng nữa trôi qua, sự cố gắng của tôi cuối cùng giúp tôi gom góp được “số dư tài khoản” cũng chỉ 12 triệu đồng (thời điểm năm 2003).
Nghe nhiều người bàn, lại thấy có bạn đã ra làm riêng, sau khi suy nghĩ kỹ, tôi mạnh dạn mở công ty, hoạt động dịch vụ in ấn quảng cáo và thiết kế web. Vốn mỏng như vậy, nên chỉ thuê một mặt bằng khiêm tốn trong con hẻm ở đường Thành Thái (quận 10) cọc 2 tháng và thanh toán trước 1 tháng, xem như tôi gần hết vốn. Vậy nên, công ty TNHH 1 thành viên của tôi có tổng cộng… 1 nhân viên. Đó là chính tôi ! Dù vậy, nhờ chịu khó “cày ải”, nên cũng đủ sống qua ngày.
Những chỉ sau 1 năm, gặp quá nhiều khó khăn, nhất là vì ngày càng nhiều công ty dịch vụ như tôi mở ra; lại thêm việc thiếu vốn để tuyển người có năng lực, phải thuê lại các đơn vị cá nhân khác làm, nên càng khó cạnh tranh. Khó khăn, chán nản, thất vọng… Tôi muốn giải thể. Nhưng sau nhiều đêm thức trắng, tôi có một quyết định khác: Không có vốn, thì đi làm thuê để kiếm vốn, tiếp tục duy trì công ty.
Bài học 2: Không bao giờ để khó khăn và chán nản chiến thắng mình !
Bài học thứ ba
Sau thời gian đi làm thuê trở lại (từ cuối năm 2004 đến tháng 6 năm 2008), tôi đã tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, cùng với một số vốn tương đối: 90 triệu đồng. Tuy có thể nói là thấp trong bối cảnh hiện nay, nhưng cũng đủ cho tôi tuyển thêm nhân viên, trang trải các chi phí cơ bản và phát triển công ty nhỏ bé của mình. Sau 18 tháng hoạt động trở lại, tôi tập trung vào lĩnh vực chuyên môn của mình, đồng thời đăng ký bổ sung ngành nghề đại lý, môi giới, nhận được thêm nhiều hợp đồng “tay trái”, nên tính đến nay cũng đã thấy cuộc sống dễ chịu hơn, và đang có những bước đi mới nhằm nâng tầm doanh nghiệp mình.
Một bí mật cho thành công khiêm tốn đến nay của mình: Dù mới quay lại công ty riêng được hơn 1 năm, nhưng hồ sơ năng lực ghi nhận công ty tôi đã hoạt động trên 6 năm, khiến nhiều khách hàng tin tưởng hơn. Vì trong suốt những năm làm thuê vừa qua, tôi vẫn duy trì, báo cáo thuế đầy đủ cho công ty của mình.
Bài học 3: Lập nghiệp khi còn trẻ, chỉ có “được” chứ không “mất”.
Thực lòng, lập nghiệp lúc còn trẻ, tôi thấy dù khó khăn thế nào, mình chỉ có lợi thôi. Vì giả sử, ngay cả khi tôi chưa thành công, thậm chí buộc phải giải thể, thì tôi cũng có thể quay lại làm thuê, với kinh nghiệm, nặng lực, ý chí và quyết tâm hơn trước. Vậy thì cả bản thân cũng như doanh nghiệp cũng đều có lợi.
“Mọi sự so sánh đều khập khiễng”, và “ai cũng làm chủ, lấy ai làm thuê”. Quan điểm này càng “đúng” và càng được hưởng ứng nếu bạn đang là chủ một doanh nghiệp, hoặc bạn không thể lập nghiệp riêng được. Tuy nhiên, sự thực lại khác, vì hầu hết chúng ta đều thích làm chủ, nhưng vì nhiều lý do, nhiều người trong chúng ta không hoặc chưa làm vậy. Chấp nhận làm thuê cũng đâu có gì là không tốt. Hàng năm có đến hàng triệu bạn trẻ tham gia vào thị trường lao động, tìm được việc làm đã khó, nói gì chuyện làm chủ. Vậy nên, nếu bạn đủ khả năng làm chủ, thì không bao giờ lo thiếu người làm thuê. Hãy nhìn sang các nước phát triển để thấy rõ: Tỷ lệ số doanh nghiệp trên số dân là rất cao, trong khi ở VN đang ở mức rất thấp. Các nhiều doanh nghiệp, càng có lợi cho cho nền kinh tế - xã hội. Nếu không, Nhà nước đã không khuyến khích thành lập nhiều doanh nghiệp.
( Nguyễn Bình Minh )

* Tôi học ngành công nghiệp, nhưng mở công ty về du lịch

Tôi lập công ty với 4 thành viên. Mỗi người chỉ đóng 10 triệu VNĐ, thuê 1 văn phòng nhỏ tại 1 con phố nhỏ với vẻn vẹn 1 chiếc máy tính, 2 chiếc điện thoại bàn, 1 máy in và 1 máy fax. Chúng tôi cũng tự thiết kế logo, slogan, tên công ty, điều lệ hoạt động và chiến lược kinh doanh.....
Chào Quý bạn đọc,

Tôi tìm thấy ở đây một sự tương đồng giữa các bạn trẻ.

Đầu tiên chúng ta phải có ước mơ, hoài bão cho riêng mình, chúng ta phải có trí tuệ, bản lĩnh, làm việc chăm chỉ và đam mê công việc mình đã lựa chọn. Và tất nhiên trên đường thành công không thể thiếu yếu tố may mắn:

ước mơ + trí tuệ + bản lĩnh + may mắn = thành công. (các chỉ số luôn đồng hành và tỉ lệ thuận với nhau ).

Tôi tốt nghiệp cao đẳng ngành Công Nghiệp nhưng hiện tại đang làm việc trong lĩnh vực dịch vụ du lịch. Ngay từ hồi niên thiếu tôi đã luôn ước mơ được làm việc trong ngành du lịch và thực sự ngay trong những năm ngồi trên ghế giảng đường tôi đã biết cách làm sao có thể kiếm tiền, xây dựng và phát triển một công ty du lịch.
Trong khi các bạn cùng khoá luôn chú tâm học các môn chính thì tôi lại đi theo một hướng hoàn toàn ngược lại, tôi chỉ nghiên cứu về tin học, tìm hiểu công nghệ Internet, nâng cao khả năng ngoại ngữ, đọc và nghiên cứu các lại sách, tài liệu về kinh doanh, quản lý, học kĩ năng đàm phán, giao tiếp và ứng xử trong kinh doanh....
Và hậu quả là tôi chỉ ra trường với tấm bằng trung bình với các điểm số cực kỳ kém nhưng thành quả lại rất lớn, ảnh hưởng tích cực đến sự thành công của tôi sau này.

Ra trường được hơn 1 tháng, tôi xin vào làm tại một công ty du lịch tư nhân, trải qua 1,5 năm với nhiều vị trí, chức vụ trong công ty, cuối năm 2002 tôi quyết định ra ngoài lập nghiệp ( vào thời đó tôi cho rằng mình đã đủ lông, đủ cánh và luôn tin rằng với đường lối kinh doanh mà mình đã vạch ra, tôi sẽ thành công.).

Các bạn ạ, tôi đã thành công trong việc thuyết phục được 3 anh chị em khác, những người có chuyên môn rất tốt cùng hợp tác xây dựng công ty mới, mỗi thành viên chỉ đóng 10 triệu VNĐ, thuê 1 văn phòng nhỏ tại 1 con phố nhỏ với vẻn vẹn 1 chiếc máy tính, 2 chiếc điện thoại bàn, 1 máy in và 1 máy fax. Chúng tôi cũng tự thiết kế logo, slogan, tên công ty, điều lệ hoạt động và chiến lược kinh doanh.....

Như các bạn đã biết, 1 công ty mới thành lập luôn gặp khó khăn như thế nào trên thương trường. Trải qua hơn 1 năm đầy sóng gió, với sự hạn chế về vốn (trong ngành du lịch việc quảng cáo, quảng bá và thiết lập các mối quan hệ luôn rất quan trong), sự cạnh tranh quyết liệt từ rất nhiều các công ty lớn nhỏ... Chúng tôi thực sự gặp quá nhiều khó khăn, rất ít khách hàng, tiền vốn dần cạn kiệt, nhiều tháng chúng tôi không có lương...

Các bạn biết không, bản thân tôi một chàng trai tỉnh lẻ cách Hà Nội 60 km, bố mẹ đều là cán bộ CVN, đã rất rất nhiều lần phải ăn mì tôm cầm hơi, ngủ dưới nền đất, tắm nước lạnh giữa mùa đông, không có nổi 1.000 VNĐ để ăn sáng, nhiều đêm thức trắng và khóc cho sự nghèo khổ của mình.... Nản chí 2 người trong số 4 cổ đông đã ra đi tìm công việc khác, chỉ còn lại tôi và 1 anh nữa ở lại với số dư tài khoản là 7 triệu VNĐ.

Làm thế nào bây giờ ? tôi chỉ sợ rằng sẽ chỉ còn lại một mình tôi với 1 công ty đang bị suy dinh dưỡng trầm trọng. May thay, anh bạn kia cũng cùng chí hướng như tôi "to be or not to be". Anh lên làm GĐ còn tôi làm GĐKD (công ty không có nhân viên).

Thực tế, vào thời điểm đó, hơn lúc nào hết tôi có niềm tin mãnh liệt rằng mình đang đi đúng hướng, chiến lược và đường lối kinh doanh của mình đang áp dụng sắp cho trái ngọt, và quả đúng như vậy, chúng tôi vẫn nỗ lực làm việc với hơn 100% sức lực có thể, 3 tháng sau chúng tôi ký được hợp đồng với 02 công ty liên doanh tương đối lớn tại Hà Nội và 2 tháng sau nữa đã có được đoàn khách nước ngoài đầu tiên đến từ Singapore.

Sau 2 năm kinh doanh, ngày càng nhiều các hãng lữ hành trên Thế Giới đặt vấn đề hợp tác với chúng tôi, ngày càng nhiều hợp đồng được kí, danh sách đối tác ngày càng dài, các đối tác cung cấp dịch vụ trong nước như khách sạn, nhà hàng, vận chuyển...cũng đã biết đến chúng tôi. Chúng tôi tuyển nhân viên, thậm chí là cả nhân viên người nước ngoài, mở rộng chi nhánh trong nước và Đông Dương, chuyển đến văn phòng mới khang trang hơn, trình độ quản lý của được nâng cao...
Theo dòng sự kiện:
Làm giàu (30/12)
Các doanh nhân 'siêu trẻ' với doanh nghiệp siêu nhỏ (28/12)
Kinh nghiệm xương máu về lập nghiệp sớm của tôi (26/12)
Cần phải xem lại khái niệm 'làm giàu' (26/12)
Nhiều bạn trẻ mở công ty riêng: Hiện tượng hay xu hướng mới? (25/12)
Mình mở công ty khi trong tay có 50 triệu đồng (24/12)

Đến nay hai anh em chúng tôi đã có gia đình riêng, rất hạnh phúc và cũng đã tạm được gọi là thành đạt. Công ty đã có đủ lực để cạnh tranh sòng phẳng, tồn tại và phát triển trong lĩnh vực du lịch.

Trên đây là những tâm sự trải nghiệm của tôi, với một mong ước duy nhất là mang đến cho những bạn trẻ đang lập nghiệp sự động viên tinh thần. Các bạn hãy nỗ lực hết sức mình, luôn hoàn thiện mình, kiên trì hiện thực hoá ước mơ, hoài bão của mình, xác định cho mình lý tưởng sống, cộng thêm may mắn nữa, chắc chắn các bạn sẽ thành công.

Chúc các bạn luôn mạnh khoẻ, thành đạt và hạnh phúc.

Trần Hùng, ACT Travel

* Cái Tâm là gốc của thành công

Trong chúng ta ai cũng có một công việc trước hết để kiếm sống, sau là làm giàu. Có người thành công, có người thất bại. Có người rất hài lòng, có người bất mãn, có người coi đó chỉ là một bước tạm thời trong lúc “quá độ”. Và ai cũng mong muốn sẽ thành công. Nhưng mọi người đã làm việc ra sao? Kết quả thế nào?
Một chị giúp việc tốt bụng làm trong một gia đình ở Hà Nội đã 9 năm, chị được chủ nhà rất tin tưởng, thân thiết như ruột thịt. Ngoài mức lương luôn khá hơn những “đồng nghiệp” xung quanh một chút, chị còn được mua bảo hiểm xã hội để sau này về già có lương hưu.
Nhưng cũng ra Hà Nội làm giúp việc, một cô bé mới 16 tuổi đã giết chết chủ nhà một cách dã man nhằm cướp của, để rồi bây giờ nhận mức án 18 năm tù. Cha mẹ đau lòng, xã hội nhức nhối, và tương lai của cô sau này sẽ ra sao?
Một cậu sinh viên Bách Khoa mới ra trường làm lập trình viên trong một công ty tin học. Bắt đầu với mức lương “phó bình dân”, chẳng hề gì, cậu cần mẫn học hỏi đàn anh để hoàn thành bằng được trách nhiệm của mình. Chẳng bao lâu sau cậu thành thạo mọi việc, dự án cậu quản lý chẳng ai phải phàn nàn. Sau 8 năm, bây giờ cậu là một trong những trụ cột “cứng” rồi, không những lương thưởng cao công ty còn chia cổ phần để gắn bó với cậu lâu dài.
Cậu này có cô bạn cùng lớp đại học luôn tự coi mình là “ngôi sao tương lai”, đi xin việc ở đâu cũng khoe khoang về những khả năng “hơn người”. Bởi vậy khi nhận được công việc bình thường cô cho rằng không “xứng tầm”. Sau khi làm một thời gian chẳng có gì thay đổi, cô kết luận “sếp” không biết đánh giá “đúng chất” con người, cô tìm một công ty khác. Nhưng lãnh đạo của công ty mới hình như cũng không biết “nhìn nhận”, chẳng mấy chốc cô lại chán. Rốt cuộc, 8 năm trời nay cô chạy hết công ty này sang công ty khác, vào Nam ra Bắc đủ cả, cứ lâu lâu lại thấy cô lãnh lương “thử việc”. Cô cũng chán ngán cảnh này tới stress và thường than vãn với mọi người là “không hiểu sao số tôi đen thế”. Có bạn nào giống cô ấy không? Xin thưa rằng số phận chỉ tạo hoàn cảnh còn quyết định kết quả xấu tốt ra sao là do con người chúng ta suy nghĩ và hành động có đúng đắn hay không mà thôi.
Có ông chủ 8x cũng “số đen”, vừa lĩnh án 9 năm tù. Bản thân tôi đã từng có vài lần tiếp xúc, đó là một chàng trai thuộc diện thông minh, năng động, khả năng ngoại giao, kinh tế đều được. Có lẽ nhờ đó cậu nắm bắt được tâm lý muốn kiếm tiền “vừa nhanh, vừa dễ, vừa nhiều” của thiên hạ nên cậu đã “tạo điều kiện” cho họ. Chương trình đầu tư tài chính đa cấp hưởng lãi cao (nhưng kết quả là mất cả chì lẫn chài) của cậu chỉ trong một thời gian ngắn đã thu hút mấy ngàn nhà đầu tư gửi tiền vào. Tôi thấy tiếc cho đời cậu, có tài mà vận dụng không đúng chỗ, kết cục thê thảm hôm nay là điều hiển nhiên. May mà pháp luật sớm phát hiện ra cách “làm ăn” này và “thu xếp” cho cậu được ngồi “đúng chỗ” của mình cho tới khi bóc xong 9 quyển lịch.
Những ông chủ làm ăn bốc giời, hớt váng, hoặc bất chấp lương tâm, đạo lý (cho ra đời những sản phẩm rởm, những dịch vụ làm khốn khổ người sử dụng, trở thành mối nguy hại cho xã hội) thì những đồng tiền trái đạo này sớm hay muộn cũng phản chủ, cũng tan tành bởi quy luật cuộc đời. Các bạn trẻ hăng hái làm giàu đừng quên rằng chỉ những sản phẩm, dịch vụ tốt, có ích cho con người, cho xã hội mới tồn tại được lâu bền và đem lại sự giàu có, thành đạt đích thực cho các bạn.
Cuộc sống có những quy luật không thể đi ngược lại. Thực tế đã chứng minh ông trời chẳng cho không ai cái gì. Ta được cái này thì mất cái khác, đúng với những công sức, tâm huyết mình bỏ ra.
Người làm công bình thường (lương “ba cọc ba đồng”) thì ít lo nghĩ, có thời gian tận hưởng cuộc sống. Chỉ vất vả lúc chưa xong việc thôi, cứ hết giờ làm là thoải mái vô tư. Tài năng và công sức cống hiến tới đâu hưởng tới đó. Vận mệnh của công ty đã có “sếp” chịu trách nhiệm, mình cứ lương thưởng đầy đủ là êm ru. Còn các ông chủ thì chẳng bao giờ có khái niệm hết giờ, xong việc hay nghỉ ngơi thực sự. Nhìn họ bình thản vẻ bề ngoài thôi, trong đầu bề bộn lo toan và công việc. Ai đã từng trải qua mới hiểu việc đưa một sản phẩm hoặc một dịch vụ mới ra thị trường, rồi phát triển thành một thương hiệu mạnh nó “xương” như thế nào. Những người thành công quả là đáng khâm phục, họ phải đổ bao nhiêu công sức, thời gian, trí tuệ, tiền của mới có được thành quả mà mọi người nhìn thấy. Và họ luôn thèm cái cảm giác “như bác nông dân cày xong thửa ruộng”, được ăn thấy ngon miệng, ngủ ngon giấc, đầu óc không phải phân tán, ưu tư. Làm gì cũng có cái giá của nó là thế đấy.
Khi chúng ta chọn cho mình con đường tương lai không cần phải cố “đua” theo một trào lưu nào, hãy để cuộc đời cho công việc mình yêu thích và có khả năng thực sự, để bạn có niềm đam mê, thấy mình đã quyết định đúng, nếu thất bại cũng không hối hận. Và trước hết phải có tâm, có đức, có lòng nhiệt huyết, có trách nhiệm thì việc gì cũng mang lại thành công. Không phải ai cũng tìm được đúng ngành học, đúng hướng đi ngay từ đầu. Bạn cứ hoàn toàn tự tin chuyển đổi sang việc khác phù hợp với mình hơn. Chẳng có nhẽ gì mà chỉ mấy năm học đại học là quyết định cả cuộc đời (những sáu, bảy chục năm sau đó) phải “theo nghề”. Hiện nay số người làm không đúng ngành học ban đầu và đã thành công rất nhiều, người ta vẫn có câu “tay trái to hơn tay phải” mà!
Nếu bạn trẻ nào chọn con đường làm chủ thì hãy xác định đó là cả một quá trình vất vả, gian nan, đã đam mê rồi thì quyết đầu tư tới cùng, phải kiên trì làm bằng được. Nếu chọn con đường trở thành một người làm công thì dù ở đâu cũng hãy vận dụng hết tài năng, tâm huyết, để trở thành “cây cổ thụ” trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Cả hai lựa chọn trên đều có cơ hội thành công và thất bại như nhau.
Mỗi người có một sự nghiệp riêng, làm công hay làm chủ cũng vậy, quan trọng là ai sẽ thành công? Cho dù làm gì cũng chỉ là một “con đường” mà bạn lựa chọn, không có con đường nào tốt hơn, vấn đề là ai sẽ đi tới đích?
Thành đạt không quan trọng là bạn làm thuê hay làm chủ. Theo tôi, trả lời được những câu hỏi dưới đây là ổn rồi:
(1) Việc bạn đang làm có chân chính, lương thiện không ?
(2) Việc đó có đúng với khả năng và ước vọng của bạn không ?
(3) Bạn đã suy nghĩ và làm việc hết mình chưa ?
(4) Sản phẩm (hoặc kết quả công việc) của bạn đã tốt nhất chưa ?
(5) Thu nhập có xứng với công sức bỏ ra hay không?
Các cụ ta vẫn nói “có đức mặc sức mà ăn”, càng ngày tôi càng thấy câu nói đơn giản này có ý nghĩa to lớn, đúng đắn và sâu sắc. Hơn bao giờ hết, câu nói này rất phù hợp và cần được nêu cao trong xã hội ngày nay, đặc biệt là với những bạn trẻ đang xây dựng sự nghiệp tương lai, bằng con đường nào cũng vậy. Nhớ nhé bạn trẻ, cái tâm, cái đức chính là nền tảng cho mọi thành công đích thực. Năm cũ đã qua rồi, chúc các bạn một năm mới thành công, hạnh phúc.
Nguyễn Đức Giang (Công ty Vinno)

* Tôi phải làm gì để tìm hướng kinh doanh cho mình?

Trong thời gian gần đây, tôi được đọc một số bài viết của chú Trần Mạnh Hùng, tôi càng quan tâm đến chuyên mục Bạn đọc viết - Kinh doanh tôi càng mong muốn tìm ra một lối đi đúng hướng cho mình.
Tôi năm nay 31 tuổi, đã có gia đình và 1 cháu. Tôi được sinh ra trong một gia đình nghèo gồm 7 anh chị em, cha mất một mình mẹ tôi nuôi anh chị em tôi khôn lớn. Trong điều kiện đó, anh em chúng tôi thiếu sự dẫn dắt về mọi mặt trong cuộc sống. Tốt nghiệp PTTH tôi thi vào trường CĐ ngành kế toán mà trước khi chọn ngành để học tôi hòan toàn không hiểu biết gì về nó nhưng tôi biết chắc rằng không phù hợp với đam mê của tôi. Tôi yêu thích nghề Tư vấn Tâm lý - giáo dục và đã chọn thi nhưng gia đình ngăn cản vì sợ ra trường không có việc làm và “khó lấy chồng”. Đến bây giờ tôi vẫn còn hối tiếc về quyết định của mình vì đã không dám đấu tranh với ước mơ của mình.

Vậy là tôi đành phải từ bỏ ước mơ của mình (lúc đó tôi cũng biết định hướng tương lai nếu tôi chọn ngành tâm lý, nhưng rất tiếc) để bây giờ tôi vẫn còn muốn quay lại chọn nó. Nhưng một lần nữa tôi không biết phải làm sao vì điều kiện kinh tế gia đình nhỏ của tôi không cho phép. Thu nhập của tôi đóng góp không nhỏ cho cuộc sống gia đình của mình. Tôi muốn quay đầu lại để chọn nó, theo đuổi nó nhưng thật khó biết bao khi cuộc sống ngày càng khó khăn hơn.

Điều khiến tôi luôn mệt mỏi là tôi không hề yêu thích nghề nghiệp hiện tại của mình. Vì vậy, theo nghề suốt đời là điều tôi không nghĩ đến. Hiện tại tôi cũng đang làm thêm dịch vụ kế toán – báo cáo Thuế, làm sổ sách kế toán ngoài giờ hành chánh, trong giờ hành chánh tôi vẫn trụ ở một công ty.
Tôi đang có ý định thôi không làm kế toán trong giờ hành chánh nữa để tìm hướng kinh doanh thêm gì đó vì tôi cũng rất yêu thích kinh doanh, khi tình hình kinh doanh ổn định tôi thôi không làm kế toán nữa, và khi kinh tế khấm khá rồi tôi có thể tìm cơ hội để theo đuổi ước mơ của mình vì ước mơ của tôi cũng xuất phát từ tấm lòng của tôi.

Nhưng với số vốn năm mươi triệu đồng có được tôi nên đầu tư kinh doanh gì đây?Nhờ quý độc giả gợi ý giúp tôi để tôi có thể biết được nhiều hơn về cách bắt đầu kinh doanh với số vốn ít ỏi của mình cũng như một số lĩnh vực kinh doanh mới mà tôi chưa biết.

Xin chân thành cảm ơn.

* Tôi đang phân vân trước 2 ngã rẽ của cuộc đời

Thứ nhất là thành lập công ty dọn văn phòng, vận chuyển hàng hóa nội thành, nói chung là vận tải hàng hóa. Thứ hai, xin vào làm một công ty lớn để học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức.
Chào các bạn !
Trước hết tôi viết những dòng này không phải để khoe khoang mà để nhận thêm những lời khuyên từ những người đi trước! Giàu kinh nghiệm hơn tiền bạc.
Tôi sinh ra trong một gia đình đông anh em, cha mẹ không có nhiều tiền nhưng cũng dìu dắt chúng tôi nên người, cho tới bây giờ! Khi vào đại học (ngành điện, bậc đại học) tôi làm đủ thứ nghề để mưu sinh để đóng học phí. Lúc đó chị gái tôi lo cho một phần, phần còn lại tự xoay sở. Đầu tiên là dạy kèm, sửa chữa máy tính, mua bán máy tính, chạy xe ôm ( thu nhập cao do chạy trong bến xe, chạy lụi thôi không bến bãi gì cả, anh em thương tình hoàn cảnh mà cho chạy).
Chính vì những công việc này mà tôi rất ân hận. Làm nhiều dĩ nhiên bạn sẽ chểnh mảng việc học, điều đó là không thể tránh khỏi. Hậu quả có liền ngay trước mắt, tôi không tốt nghiệp như bạn bè cùng lớp, do nợ môn quá nhiều. Tiếp tục cày trả nợ môn chứ sao. Thêm một khoảng thời gian lao đầu vào xã hội tìm tiền. Tích lũy kinh nghiệm sống nhưng kinh nghiệm học hành thì coi như tiêu rồi đó!
Lúc này tôi đã hoàn thành khóa học nhưng chưa được nhận luận văn do còn nợ môn. Quyết định đúng bắt đầu từ đây. Với kinh nghiệm kha khá về CNTT, biết sửa chữa tất cả các dòng máy tính ( chủ yếu là đoán bệnh và mang ra tiệm sửa, hoặc thay mới thôi ), tôi được nhận vào làm nhân viên bảo trì một tòa nhà lớn, và công ty đó cũng rất lớn, đủ khiến tôi choáng. Nhưng tôi không choáng.
Tháo vát, nhiệt tình giúp đỡ mọi người ( bản chất nhiều hơn bản tính), được lòng chị em, sếp tin tưởng ở nhiệm vụ được giao. Tòa nhà tôi làm ngay trung tâm Quận 1, oách chưa. Công việc bảo trì tòa nhà thì bạn biết rồi, việc ít, chủ yếu là thay bóng đèn với đi ghi điện vào cuối tháng, hay trời mưa to thì đi lòng vòng coi có cái cửa sổ nào quên đóng thì đóng lại thôi. Tháng thứ ba cũng là tháng được ký hợp đồng chính thức và nhận được mức lương hơi cao cao so với anh em đã được tốt nghiệp đàng hoàng. Nhắc lại lúc này tôi chưa có tốt nghiệp. Vẫn còn nợ môn nhưng đã nhìn được chút ánh sáng cuối đường hầm học vấn. Nghĩa là số môn nợ đã đếm được chỉ trong một bàn tay.
Sáng hôm sau ngày nhận lương tháng thứ ba tôi xin sếp một cuộc hẹn! Sếp này nhỏ thôi, những sếp lớn hơn chỉ nhìn thấy tôi chắc 2 lần trong tháng. Tôi trình bày đủ thứ nguyên do, nào là mẹ bệnh dưới quê kêu về cưới vợ, thật sự gia đình tôi có một căn nhà ngay tại thành phố (Mặt tiền đàng hoàng nha). Nào là chưa được tốt nghiệp, muốn về nhà phụ mẹ làm ruộng. Với hàng tá lý do tôi xin sếp cho tôi tạm ngưng công việc để tìm một hướng đi mới. Sếp muốn tôi chọn lý do nào ghi trong đơn xin thôi việc cũng được.
Và sau đó là hằng tá liệt kê của sếp: nào là lương cao, công việc phù hợp với ngành học, thăng tiến hơn khi công ty làm dự án, công ty của tôi có máu mặt trong các dự án khu dân cư, phần điện sẽ do tôi phụ trách. Nghe có vẻ sáng sủa quá với anh chàng chưa tốt nghiệp như tôi. Tôi vẫn giữ quyết định của mình.
Buổi chiều hôm đó khi nghe kể lại bạn gái trách tôi đủ điều. Nghe một hồi tôi muốn vô xin làm lại luôn đó! Nhưng đã ra đi là đầu không ngoảnh lại. Lúc này mình đã nhìn rõ hơn về tấm bằng tốt nghiệp. Niềm tự hào của gia đình, út sắp tốt nghiệp đại học. Chỉ còn nợ hai môn, sắp có đợt nhận luận văn của khóa sau. Lên kế hoạch chặt chẽ để nhận bằng được luận văn đợt này.
Trong khoản thời gian này tôi có một số công việc không thể nói ra nhưng tiền thì chạy vô túi ngày lẫn đêm. Nhờ chắt chiu và biết chuyển kênh đầu tư tôi có một số tài sản nhất định. Thu nhập từ tài sản chân chính này cũng kha khá mỗi tháng. Tôi sắm được hai chiếc xe tải cỡ nhỏ chạy cho công ty ông anh và vợ chưa cưới thu nhập mỗi tháng trừ đi chi phí cũng được không dưới mười triệu (2 chiếc xe tải mua hết gần 400 triệu, một chiếc mua thẳng một chiếc mua qua ngân hàng, thời hạn vay là 3 năm, đến hôm nay là được một năm). Nói thêm là cho tới ngày hôm qua là tôi đã bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp, chờ ngày nhận bằng nữa thôi.
Tới đây có những ngả rẽ buộc tôi phải gác tay lên trán :
+ Thứ nhất là có nên tiếp tục làm công việc " trong khoản thời gian " trước. Mình cũng sợ lắm.
+ Nếu chấm dứt thì mình sẽ làm gì?
Câu hỏi này tôi có hai phương án.
Thứ nhất tiếp tục phát huy 2 chiếc xe tải nhỏ, thành lập công ty dọn văn phòng, vận chuyển hàng hóa nội thành, nói chung là vận tải hàng hóa. Hoặc bán 1 xe mua một xe khách ra bến xe chạy khách liên tỉnh, tài xế gia đình sau đó bán luôn chiếc kia mua xe khách chạy liên tỉnh luôn. Trực tiếp điều hành và theo xe. Việc này không liên quan gì tới ngành điện công nghiệp mà nhà trường dạy. Nói thêm và mình vẫn còn khả năng tài chính để đầu tư tiếp. Ở phương án này mình sẽ trực tiếp điều hành và phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, phấn đấu vươt lên chính mình.
Ưu và khuyết: Đam mê ngành vận tải, kinh nghiệm chưa có. Ngành trái với ngành được học.
Thứ hai: xin vào làm một công ty lớn (có mối quan hệ để làm chuyện này ) để học hỏi kinh nghiệm , trau dồi kiến thức. Chờ thời cơ tiến ra làm riêng. Bán hết xe tải , mua một mảnh đất ngoại thành kinh doanh bất động sản theo kiểu nhà nghèo. Vì tình hình xe tải không còn khả quan nữa phải chuyển đổi kinh doanh.
Ưu và khuyết: có cơ hội thăng tiến trong công ty lớn, lớn hơn nữa. Tích lũy kinh nghiệm quản lý. Nhưng sợ bị mai một trong môi trường đầy kỹ thuật, máy móc.
Thật sự mình cũng không biết phải chọn lựa như thế nào cho hợp lý. Cái nào cũng hay cái nào mình cũng tâm đắc. Đó là cái chưa đúng mà mình muốn tâm sự lên đây để được nghe các sáng kiến của các đàng anh đàng chị. Sau đó mình có 1 quyết định sau cùng!
Trong khoản thời gian này mình khó ngủ quá. Thời gian không chờ đợi chúng ta, tôi muốn chạy nữa kìa nhưng chỉ sợ mình lạc lối.
Có một người lớn hơn tôi về mọi mặt đã khuyên tôi nên chọn phương án thứ hai. Có lẽ chậm mà chắc. Người này sợ kinh nghiệm quản lý của tôi chưa đủ tầm, đến một giai đoạn nào đó sẽ hết. Lúc đó sẽ như thế nào thì thú thật tôi cũng chưa biết!
Tôi muốn làm ngược lại để chứng tỏ mình.
Mong nhận được những lời khuyên chân thành!
Cám ơn mọi người đã đọc!

* Đồng vốn và cách xoay tiền của doanh nghiệp nhỏ

Mình đã giải quyết bài toán thiếu vốn khi nhận được một đơn hàng lớn bằng cách liên kết với các đối tác khác làm cùng ngành nghề như mình.
Kính gửi toàn soạn VnExpress và bạn đọc,
Qua các mục "làm giàu không khó", "cách làm giàu" ... mình thấy hiện nay, thanh niên Việt Nam ta có xu hướng tự lực, phấn đấu và có cách nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hơn. Thật mừng khi có những người dám đương đầu với thử thách và khó khăn, chính điều này mới mong Việt Nam phát triển nhanh hơn và mạnh hơn.
Hiện tại mình chưa bàn tới khả năng lãnh đạo và các yếu tố khác để thành lập công ty. Mình chỉ bàn về "ĐỒNG VỐN" và cách xoay tiền cho các doanh nghiệp nhỏ, có vốn ít.
Tuy nhiên, không phải ai ra đời cũng đều có kinh nghiệm và cách giải quyết công việc hoàn hảo nhất, đặc biệt lớp trẻ mới bắt đầu mở công ty, doanh nghiệp. Trước khi mở công ty hay doanh nghiệp, chúng ta vẫn thấy mọi công việc thật đơn giản và chúng ta có thể giải quyết tốt. Đó là khi ta chưa đứng trên một người lãnh đạo, một giám đốc, những người luôn luôn phải chịu một áp lực kinh khủng từ nhiều hướng, nhiều vấn đề.
Vậy khi ta làm chủ doanh nghiệp, ta không phải chỉ giải quyết một vấn đề, một công việc nữa, mà ta phải giải quyết nhiều vấn đề, tìm nhiều cách khác nhau để cho phù hợp với hoàn cảnh, nhu cầu thực tế của công ty mình. Đây chính là cái thiếu nhất của những ai mới lập công ty hay doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp cần phải có nhiều yếu tố để tồn tại và phát triển, đó là sản phẩm, uy tín, dịch vụ, phục vụcác kênh phân phối, đối tác... Tuy nhiên một trong những yếu tố chính mà hầu như doanh nghiệp nào cũng phải đương đầu, đó là đồng tiền.
Doanh nghiệp nhỏ thì đồng vốn ít, doanh nghiệp lớn thì đồng vốn nhiều, nói chung, bất kể doanh nghiệp nào cũng thiếu vốn, chẳng có doanh nghiệp nào dư vốn hết.
Vì thế, đồng tiền (vốn) ở đây tất nhiên đều có cách giải quyết. Doanh nghiệp nào có tài sản thế chấp thì vay ngân hàng và các nguồn vốn khác, doanh nghiệp nào không có tài sản thế chấp thì tìm nguồn vốn khác (rủi ro cao) hoặc phải "bán lúa non" mà các hợp đồng nhận được từ khách hàng. Có lẽ tốt nhất, ta nên bàn luận về vấn đề "TIỀN" cho các doanh nghiệp nhỏ. Như thế lẽ thực tế hơn cho những ai mới thành lập doanh nghiệp. Thiếu vốn liệu doanh nghiệp mình có hoạt động tốt hay không?
Câu trả lời tùy theo từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp và tùy theo cách giải quyết của vấn đề này.
Theo mình thì thiếu vốn chỉ làm chậm khả năng phát triển của công ty thôi, chứ không ảnh hưởng gì nhiều về hoạt động và phát triển. Mình đã giải quyết bài toán thiếu vốn khi nhận được một đơn hàng lớn bằng cách liên kết với các đối tác khác làm cùng ngành nghề như mình. Có lẽ sẽ nhiều người sợ đối tác khác lấy mất khách hàng của mình. Điều này rất khó xảy ra, khi ta đã biết liên kết và kết hợp thì không sợ mất khách hàng lớn, tuy lợi nhuận sẽ giảm. Nhưng ta phải nhìn về tương lai, phải khẳng định một điều, khác hàng là nguồn sống cho công ty mình. Đồng thời khi ta thực hiện tốt đơn hàng này, thì thương hiệu và uy tín của công ty sẽ được khẳng định hơn.
Trên thế giới, không có một công ty nào, tập đoàn nào mà không liên kết với các công ty khác, chẳng hạn như Toyota, BMW, IBM, HP..., họ đều liên kết với rất nhiều công ty để tận dụng những ưu điểm của kỹ thuật, sản phẩm và dòng vốn từ các công ty liên kết đó, đồng thời lợi nhuận và rủi ro đều chia sẻ cho nhau hết. Vậy sao ta không làm được như thế?
Có lẽ cốt lõi của vấn đề này, chính trong bản thân ta, ta không dám hoặc nghĩ mình chưa đủ khả năng để liên kết với các công ty lớn hơn ...hãy từ bỏ ý nghĩ đó. Trong hầu hết về khả năng cung cấp, ta chỉ đáp ứng được một phẩn rất nhỏ nhu cầu của khách hàng, vậy ta liên kết lại, ta có thể cung cấp sản phẩm nhiều hơn và vì thế lợi nhuận cũng tăng nhiều hơn.
Một điều ta cần phải lưu ý, khi liên kết và kết hợp với nhau, ta phải đảm bảo rằng, hệ thống liên kết phải đảm bảo uy tín, chất lượng sản phẩm, dịch vụ phải thật sự là tốt hoặc đạt yêu cầu khách hàng. Có như thế, ta mới có thể tồn tại và phát triển tốt hơn.
Mình cũng là doanh nghiệp nhỏ, với số vốn khi thành lập công ty cũng chỉ có 50 triệu, ngành nghề phụ gia nhựa, hạt nhựa. Ngành này đòi hỏi một số vốn chẳng thua kém gì so với sắt thép, hóa chất ... Vậy mà công ty mình vẫn phát triển tốt và dần dần khẳng định được thương hiệu. Tất nhiên, để tồn tại và phát triển hơn nữa, bản thân mình và các toàn thể công ty luôn luôn phải cố gắng tìm tòi học hỏi hơn nữa. Nhu cầu của khách hàng ngày càng cao, vì thế ta không thể ngồi chờ và tự trách công ty mình ít vốn. Những ai có cùng chung chí hướng và chia sẻ tất cả vấn đề về kinh doanh, vui lòng liên hệ với mình.
Nếu có bạn nào ở HCM thì mình có thể gặp nhau để trao đổi trực tiếp.
Phạm Ngọc Thành. Email: thanh@phugianhua.com

* Làm giàu với số tiền âm 10 triệu đồng

Công thức để làm giàu là 3K: Kiến thức - Kỹ Năng - Khoản tiền mặt dồi dào. Nếu hiện tại bạn chưa có tiền thì nên đầu tư thời gian vào 2K đầu tiên bởi vì khi bạn có nó thì có thể tiền sẽ tự tìm đến để các bạn có thể thực hiện giấc mơ của mình.

Bản thân tôi tốt nghiệp hai trường đại học và cũng từng làm thuê cho rất nhiều nơi. Từ công việc bưng bê phục vụ trong nhà hàng đến làm chuyên viên tư vấn bảo hiểm... Nhưng cho dù có làm đến chức vụ cao đến mấy thì bản thân mình chỉ là một phần trong hệ thống kiếm tiền của chủ doanh nghiệp thôi.
Đến một lúc nào đó, nếu mình không còn làm cho doanh nghiệp đó thì trong tay sẽ được gì? Chủ doanh nghiệp luôn quan niệm rằng họ chỉ trả đủ tiền cho người lao động để họ không nghỉ việc để tiếp tục bán thời gian, sức lực và chất xám của mình để họ tiếp tục kiếm nhiều tiền hơn. Tôi thấy một điều là chủ doanh nghiệp luôn là người làm chủ một hệ thống, một cái máy in tiền hợp pháp cho họ (cũng có thể bất hợp pháp). Điều quan trọng là cách thức họ điều hành hệ thống đó chạy như thế nào.
Sau khi nghiệm ra điều đó trong suốt 10 năm đi làm thuê, tôi quyết định mở công ty riêng. Nhưng câu hỏi đặt ra lúc đó là mình kinh doanh ở lĩnh vực nào? Vốn từ đâu mà có?
Lúc đó, bà xã tôi đang làm việc trong một công ty chuyên về lĩnh vực giao nhận vận chuyển. Tôi đề nghị với cô ấy cố gắng học hỏi tất cả những kinh nghiệm trong quá trình cô ấy làm việc bao gồm quy trình làm việc, cách thức tổ chức công ty, phân bổ và quản lý nhân sự, kế toán....
Tất cả các kiến thức đó được tôi tổng hợp lại thành một bảng kế hoạch kinh doanh ngành giao nhận vận chuyển cùng với bảng dự trù ngân sách hoạt động của công ty. Tôi cũng thử mang bảng kế hoạch kinh doanh của mình để mời một số người bạn cùng làm nhưng tất cả họ đều từ chối với lý do chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đó.
Bản thân tôi lúc đó đang làm việc trong một công ty bảo hiểm nhân thọ có tiếng tại TP.HCM với mức lương và các phụ cấp khá tốt. Nhưng cũng chỉ đủ để sống qua ngày. Vợ chồng chúng tôi đều có chung quan điểm rằng nếu chỉ sống dựa vào đồng lương thì không thể nào giàu nổi. Tại sao mình phải bán sức lao động của mình cho người khác trong khi mình cũng có thể tự mình làm giàu cho mình? Suy nghĩ ấy đã thôi thúc chúng tôi quyết chí kinh doanh.
Vào thời điểm mở công ty, chúng tôi không có tiền nên phải đi vay "nóng" 10 triệu đồng. Số tiền ít ỏi đó chỉ đủ cho chúng tôi mua sắm được một số bàn ghế, máy tính (second hand), điện thoại để bắt đầu thực hiện ước mơ làm giàu. Vạn sự khởi đầu nan! Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong khoản thời gian đầu vì chưa có khách hàng, không biết phải tìm đại lý ở đâu, thiếu vốn lưu động một cách trầm trọng.... Nhưng điều đó không làm cho chúng tôi nản lòng.
Tôi quyết định bỏ công việc trong công ty bảo hiểm để về tập trung vào việc kinh doanh mặc dù trong thâm tâm tôi cảm thấy tiếc vô cùng. Có lẽ tôi đã quen nhận tiền lương mỗi tháng do chủ doanh nghiệp chi trả nên việc nghỉ việc tại công ty làm cho tôi mất đi thu nhập chính. Lúc đó, chúng tôi không còn đường để lùi nữa mà chỉ biết tập trung vào công việc kinh doanh như tiếp xúc khách hàng, tìm đại lý nước ngoài...
Nói chung là vừa làm vừa học. Có lẽ ông trời thương vợ chồng chúng tôi nên sau một thời gian nỗ lực, chúng tôi có được một số khách hàng thân thiết. Dĩ nhiên trong quá trình làm việc, chúng tôi đã phải trả giá rất nhiều để học lấy những bài học, những liều thuốc đắng mà nếu như chúng ta không kiên định thì sẽ không tiếp tục làm giàu được.
Hiện tại, cuộc sống của chúng tôi đã khá hơn cách đây năm năm. Công ty chúng tôi có nhiều khách hàng hơn và doanh thu cũng tăng đều theo từng năm.
Tôi đã rút ra được một công thức để làm giàu (có thể nó đúng với tôi). Đó là công thức 3K - Kiến thức - Kỹ Năng - Khoản tiền mặt dồi dào. Nếu hiện tại bạn chưa có tiền thì nên đầu tư thời gian vào 2K đầu tiên bởi vì khi bạn có nó thì có thể tiền sẽ tự tìm đến để các bạn có thể thực hiện giấc mơ của mình.

* Làm giàu với số tiền âm 10 triệu đồng

Công thức để làm giàu là 3K: Kiến thức - Kỹ Năng - Khoản tiền mặt dồi dào. Nếu hiện tại bạn chưa có tiền thì nên đầu tư thời gian vào 2K đầu tiên bởi vì khi bạn có nó thì có thể tiền sẽ tự tìm đến để các bạn có thể thực hiện giấc mơ của mình.

Bản thân tôi tốt nghiệp hai trường đại học và cũng từng làm thuê cho rất nhiều nơi. Từ công việc bưng bê phục vụ trong nhà hàng đến làm chuyên viên tư vấn bảo hiểm... Nhưng cho dù có làm đến chức vụ cao đến mấy thì bản thân mình chỉ là một phần trong hệ thống kiếm tiền của chủ doanh nghiệp thôi.
Đến một lúc nào đó, nếu mình không còn làm cho doanh nghiệp đó thì trong tay sẽ được gì? Chủ doanh nghiệp luôn quan niệm rằng họ chỉ trả đủ tiền cho người lao động để họ không nghỉ việc để tiếp tục bán thời gian, sức lực và chất xám của mình để họ tiếp tục kiếm nhiều tiền hơn. Tôi thấy một điều là chủ doanh nghiệp luôn là người làm chủ một hệ thống, một cái máy in tiền hợp pháp cho họ (cũng có thể bất hợp pháp). Điều quan trọng là cách thức họ điều hành hệ thống đó chạy như thế nào.
Sau khi nghiệm ra điều đó trong suốt 10 năm đi làm thuê, tôi quyết định mở công ty riêng. Nhưng câu hỏi đặt ra lúc đó là mình kinh doanh ở lĩnh vực nào? Vốn từ đâu mà có?
Lúc đó, bà xã tôi đang làm việc trong một công ty chuyên về lĩnh vực giao nhận vận chuyển. Tôi đề nghị với cô ấy cố gắng học hỏi tất cả những kinh nghiệm trong quá trình cô ấy làm việc bao gồm quy trình làm việc, cách thức tổ chức công ty, phân bổ và quản lý nhân sự, kế toán....
Tất cả các kiến thức đó được tôi tổng hợp lại thành một bảng kế hoạch kinh doanh ngành giao nhận vận chuyển cùng với bảng dự trù ngân sách hoạt động của công ty. Tôi cũng thử mang bảng kế hoạch kinh doanh của mình để mời một số người bạn cùng làm nhưng tất cả họ đều từ chối với lý do chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đó.
Bản thân tôi lúc đó đang làm việc trong một công ty bảo hiểm nhân thọ có tiếng tại TP.HCM với mức lương và các phụ cấp khá tốt. Nhưng cũng chỉ đủ để sống qua ngày. Vợ chồng chúng tôi đều có chung quan điểm rằng nếu chỉ sống dựa vào đồng lương thì không thể nào giàu nổi. Tại sao mình phải bán sức lao động của mình cho người khác trong khi mình cũng có thể tự mình làm giàu cho mình? Suy nghĩ ấy đã thôi thúc chúng tôi quyết chí kinh doanh.
Vào thời điểm mở công ty, chúng tôi không có tiền nên phải đi vay "nóng" 10 triệu đồng. Số tiền ít ỏi đó chỉ đủ cho chúng tôi mua sắm được một số bàn ghế, máy tính (second hand), điện thoại để bắt đầu thực hiện ước mơ làm giàu. Vạn sự khởi đầu nan! Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong khoản thời gian đầu vì chưa có khách hàng, không biết phải tìm đại lý ở đâu, thiếu vốn lưu động một cách trầm trọng.... Nhưng điều đó không làm cho chúng tôi nản lòng.
Tôi quyết định bỏ công việc trong công ty bảo hiểm để về tập trung vào việc kinh doanh mặc dù trong thâm tâm tôi cảm thấy tiếc vô cùng. Có lẽ tôi đã quen nhận tiền lương mỗi tháng do chủ doanh nghiệp chi trả nên việc nghỉ việc tại công ty làm cho tôi mất đi thu nhập chính. Lúc đó, chúng tôi không còn đường để lùi nữa mà chỉ biết tập trung vào công việc kinh doanh như tiếp xúc khách hàng, tìm đại lý nước ngoài...
Nói chung là vừa làm vừa học. Có lẽ ông trời thương vợ chồng chúng tôi nên sau một thời gian nỗ lực, chúng tôi có được một số khách hàng thân thiết. Dĩ nhiên trong quá trình làm việc, chúng tôi đã phải trả giá rất nhiều để học lấy những bài học, những liều thuốc đắng mà nếu như chúng ta không kiên định thì sẽ không tiếp tục làm giàu được.
Hiện tại, cuộc sống của chúng tôi đã khá hơn cách đây năm năm. Công ty chúng tôi có nhiều khách hàng hơn và doanh thu cũng tăng đều theo từng năm.
Tôi đã rút ra được một công thức để làm giàu (có thể nó đúng với tôi). Đó là công thức 3K - Kiến thức - Kỹ Năng - Khoản tiền mặt dồi dào. Nếu hiện tại bạn chưa có tiền thì nên đầu tư thời gian vào 2K đầu tiên bởi vì khi bạn có nó thì có thể tiền sẽ tự tìm đến để các bạn có thể thực hiện giấc mơ của mình.

*Không thể để ước mơ chết đói

Vợ tôi mới sanh, khoản nợ ngót ngét 400 triệu sau những lần chắp vá nặng nề... Những tưởng buông xuôi, tôi trở mình sau những ván cờ tướng vỉa hè với các cụ: Buông cờ và để ước mơ của mình chết đói à.
Chào các bạn,
Lao theo con đường mà mình đã chọn, ngót nghét ở HCM tôi bì bõm cũng 10 năm trời. Đọc được chuyên mục này, lại thêm độ cuối năm, tôi thấy lòng mình chùng lại. Phấn khích và nghẹn ngào. Xin chia sẻ với các bạn.
Năm 2006, tôi quyết định dừng nghiên cứu Toán tại Đại Học Khoa Học Tự Nhiên HCM, bắt đầu đặt mình vào con đường giải quyết bài toán kinh tế. Lớn lên trong một gia đình nông nghiệp, thác Giang Điền là mảnh đất mà ông nội tôi đặt tên, nơi tôi sinh ra, lớn lên, chắc nhiều người trong các bạn cũng chả xa lạ gì với chuyến số 12 buýt từ Bến Thành đến Khu du lịch Thác Giang Điền.
Ki cóp được chút ít kinh nghiệm của kẻ húc đầu vào tường, tôi hay ví mình như vậy, cộng với số vốn bố mẹ cầm mảnh đất của ông bà cho tôi vay 140 triệu. Hợp với một vài đối tác tôi lựa chọn đầu đời... Công ty nhỏ bé của chúng tôi ra đời. Và với cái nhìn theo kiểu ước mơ chìm đắm, thằng cóc dòm đáy giếng như tôi sớm phải trả giá sau hơn một năm với sự thắt chặt cho vay bởi ngân hàng, tính cả nể trong thương mại với cổ đông trường bạn bè...
Tôi nhớ mãi một buổi chiều 11/2008, tôi lúc lắc trên cái ghế "Giám đốc" gặm nhấm nỗi đau, sự chua chát: Công ty từ một buổi chiều và một buổi sáng, hơn 50 nhân sự chỉ còn lại tôi với cô bạn kế toán, một đống ngập ngụa đúng theo cả nghĩa đen và bóng. Bạn bè, cổ đông chỉ còn lại với nhau ánh nhìn nghi ngại, mưu toan. Họ hàng chỉ còn lại là sự dè bỉu, khinh khi... và hơn ai hết là chính con người tôi khi ấy.
Lúc lắc từ 5 giờ chiều hôm trước, đến 5 giờ sáng hôm sau, tôi lặng lẽ ghi chú lại những kinh nghiệm xương máu ấy. Và cả gần một năm sau, tôi hầu như muốn nổ tung đầu mình với biết bao chuyện phải cân não. Vợ tôi mới sanh, khoản nợ ngót ngét 400 triệu sau những lần chắp vá nặng nề với tôi kinh khủng... những tưởng buông xuôi. Tôi trở mình sau những ván cờ tướng vỉa hè với các cụ: Buông cờ và để ước mơ của mình chết đói à.
Dự án tôi ấp ủ vẫn còn ở phía trước, chẳng qua, tôi chưa có được chìa khóa để mở nó. Tôi là kẻ đội trời đạp đất. Chịu thua sao... Rồi bừng tỉnh từng giây phút một sau đó, tôi chọn con đường đi làm thuê như ngày nào, tôi không quay lại học tập cách chính qui, mà tự vùi mình ở nhà. Chuyên tâm và cố gắng hơn.
Hiện tại, dự án của tôi xin được chia sẻ với các bạn, nó vẫn chạy, và tôi rất vui khi được nói với các bạn: tôi là người đàn ông có thể nói đầu tiên của Việt Nam, đưa ra thị trường chú Chuột gỗ máy tính may mắn "Kun-Kun", tôi đặt tên con trai đầu lòng của mình, như món quà tặng nó những ngày tháng xa cách bố mẹ và thương nhớ.
Hì hục từ đoạn lật lại và cải tổ của dự án tôi ấp ủ, tôi bắt đầu tái cấu trúc bằng sản xuất chiếc bàn gỗ cho laptop tên MLucky, tôi hi vọng một vài bạn trong đây đang sử dụng chiếc bàn được làm bằng thông Newzealand đó cho laptop của mình. Rồi đau đáu cho chú Chuột Gỗ mà tôi vẫn ấp ủ. Và tôi đã tìm thấy nó, chiếc chìa khóa để khai hỏa con tàu, tấm bản đồ để hướng về đích đã được vẽ xong. Phấn chấn cùng với đồng nghiệp trong dự án, anh em chúng tôi cầm con chuột gỗ mà lòng đầy khấp khởi, tự tin, vui sướng.
Một vài đối tác khuyên nên đăng kí kiểu dáng độc quyền từ khi tôi thiết kế cái bàn Gỗ cho laptop, rồi cho tới chú chuột gỗ may mắn KunKun, hiện tại xin chia sẻ với các bạn, tôi chọn cho mình con đường riêng, con đường đăng ký ước mơ của mình trong lòng người tiêu dùng Việt Nam. Tôi và anh em trong dự án này mong muốn Việt Nam sau này có thể tự hào với sản phẩm này với bạn bè trong ngành sản xuất phần cứng máy tính. Tôi cũng biết, phía trước còn quá nhiều cạm bẫy, khó khăn... nhưng cũng vẫn như ý chí của người khởi tạo một con đường mới, tôi không thích lối mòn, tôi biết tôi có thể thất bại nặng nề hơn. Nhưng tôi không thể, không bao giờ để ước mơ của mình chết đói.
Xin hứa với gia đình, bố mẹ và những người thân yêu trên đất nước này, và hứa với chính tôi, khó khăn bằng mấy, tôi cũng sẽ vượt qua.
Hiện tại, tôi vẫn phải đi làm thêm một việc khác để vẫn như thường hay nói đùa với anh em bạn bè, " tao đi làm kiếm gạo về nuôi chuột, hihi".
Tôi đã nói quá nhiều thì phải, rất hi vọng những chia sẻ của tôi dưới đây, phần nào giúp chính tôi, các bạn với ý chí của những người trẻ. Ai cũng có ước mơ, và với tôi, không thể để nó chết đói. Nếu một ngày nào đó gần thôi, các bạn cầm trên tay chú chuột gỗ mà tôi sản xuất ra, hoặc chiếc bàn gỗ laptop thân thiện... đó là niềm hạnh phúc nhất mà tôi đã và đang trải nghiệm.
Chúc các bạn một năm mới thành công, sức khỏe và hạnh phúc.

Cạm bẫy khi khởi nghiệp kinh doanh

Với các bạn trẻ khởi nghiệp và điều hành doanh nghiệp, dự án… của mình PHÁ SẢN là bước ngoặt khiến chúng ta sợ hãi, thậm chí ám ảnh khi trải nghiệm qua nó. Hiện tại tôi cảm thấy rất vui khi đã có kinh nghiệm về động danh từ này, một chút gói gém nào đó xin chia sẻ với các bạn.
Tôi cảm nhận phần đa bạn trẻ giống như tôi khi khởi nghiệp: Quá tự tin vào chính mình và phương án của mình. Cạm bẫy này thật ngọt ngào.
Cuốn sổ tay Phá Sản của tôi bắt đầu từ trang Vay Vốn. Nhỏ lớn được mọi người tin tưởng vào năng lực cũng như yếu tố con người, nên tôi vay được 150 triệu với phương án vay của một người khác. Thầm khen mình một chút, tôi tự đặt cho mình cái cạm bẫy đầu tiên khi bắt tay vào điều phối khối tài chính này.
Ba nguyên tắc bất di bất dịch mà chúng ta đều biết:
1. Phương Án,
2. Con người,
3. Tài chính
Là ba huyết mạch then chốt cho mọi dự án hình thành và phát triển, tùy vào thời điểm nào trong dự án cũng như khi mô hình dự án vận hành mà những yếu tố trên thay đổi lên thành tiên quyết tại thời điểm đó.
Tôi đặt cho mình bước đi sai đầu tiên khi đặt nhẹ yếu tố thứ hai và một phần yếu tố thứ nhất. Khi đó, tôi chỉ đơn giản nghĩ: Chỉ thiếu tiền, có tiền là mọi thứ OK cả thôi. Và tôi tin chắc rằng có rất nhiều nhiều bạn sẽ khẳng định như tôi khi đó. Sau này tôi cũng có khá nhiều dịp phỏng vấn, cũng như trao đổi với nhiều bạn trẻ đi sau, cũng như một vài bạn đi trước, thì đa phần khẳng định: Chỉ thiếu tiền mà thôi. Và tôi cảm nhận phần đa giống như tôi khi khởi nghiệp: Quá tự tin vào chính mình và phương án của mình. Cạm bẫy này thật ngọt ngào.
Thật là dễ dàng lọt vào cái hố này khi chúng ta kha khá một chút về cộng trừ nhân chia, một chút kinh nghiệm và một chút quan hệ khi sử dụng đồng vốn của mình. Đơn giản làm sao khi tôi cầm viết mà đạo hàm, rồi tích phân một chút…bán sỉ lãi gộp 5-8%, bán lẻ 15-20% với khởi điểm 2-3 nhân viên kinh doanh chạy doanh số tầm 100-150 triệu/sale và sale tăng mỗi tháng một người liên tục trong 12 tháng đầu rồi dịch vụ rồi xuất khẩu…
Tôi và các bạn trong cái vũng của mình thầm bắt tay nhau lượng hóa công việc một cách mỹ miều.
Dự án tôi khởi tạo khi đó là kinh doanh máy tính, sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu và thương mại điện tử là công việc mà tôi có đôi chút kiến thức. Khối vốn cho giai đoạn sập vào cái hố ngọt ngào đầu tiên khi ấy tầm 400 triệu. Suýt chút nữa thì tôi đã chẳng bao giờ lên nổi cái hố đó. Chợt nhận ra những sai lầm của tuổi trẻ thường mắc phải là quá nôn nóng, giỏi cộng trừ nhân chia và tự tin đôi khi một cách thái quá. Một chút khiêm tốn, cẩn trọng sẽ chẳng ai bảo là chúng ta thiếu nhiệt huyết và tinh thần của tuổi trẻ cả.
Tôi chợt nhận ra người thầy khó tính của tôi khi xưa dạy Vật lý chỉ cho tôi điểm 1 và 0. Có khi làm xong gần hết, chút lỗi nhỏ ông cũng cho tôi 0. Tôi có lúc oán ông, và để rồi một buổi chiều sau Phá Sản tôi được ông xoa đầu và bảo: Vẽ trên giấy có thể cho mạch điện sai, nhưng bắt tay vào làm, sai lầm trên giấy có thể phá hủy cả một tòa nhà và thậm chí…
Vâng, có thể ví von rằng khởi nguyên và kết thúc của mọi khủng hoảng đều xuất phát từ vấn đề tài chính. Chúng ta đều biết rằng, xây dựng thành công một mô hình thương mại, sản xuất nào cũng cần phải có quá trình, thường là mất một quá trình không dưới 3 năm. Cuộc Marathon này nếu phân phối sức không hợp lý, đặc biệt là tài chính chúng ta có thể chẳng bao giờ về đích được. Thường những dự án trẻ không trù bị cho mình một kế hoạch rút êm thấm khi khủng hoảng, hoặc thậm chí không có phương án nào cả, chỉ toàn là màu hồng. Điều tai hại này đốt dần mòn quỹ tài chính khi đưa ra các phương án cấp cứu không trù bị hoặc chuẩn bị sơ sài.
Có thể bạn cho rằng, tôi chưa bao giờ khủng hoảng. Bạn đủ tự tin…nhưng tôi cho rằng ai cũng có sai lầm cả, vậy hãy thử nhắm mắt và tưởng tượng nếu số vốn bạn đầu tư ban đầu hết sạch, khách hàng của bạn không mua hàng của bạn nữa, nhân viên của bạn bị đối thủ kéo hết về với họ…bạn sẽ xử lý thế nào.
Và khi bạn đặt dấu chấm than: Phá Sản, bạn sẽ ra sao??? Bạn có công nhận rằng đi bệnh viện vào khoa cấp cứu chi phí bao giờ cũng cao hơn đi khám định kì rất nhiều. Bài học cuộc sống quá cơ bản. Nhưng con người ta khi sức khỏe bề ngoài có vẻ kha khá thì có mấy ai trù bị cho mình những động thái khi phải vào bệnh viện chứ đừng nói là đi cấp cứu. Hậu quả của nó dĩ nhiên là: Kinh Khủng.
Ngẫu hứng cũng là một cạm bẫy đáng sợ. Một nhân viên kinh doanh website và quảng cáo có thể cho bạn cả một bầu trời đầy hoa nào là thương hiệu và sản phẩm của bạn có thể đi khắp nơi trên thế giới, rằng người tiêu dùng sẽ chạm vào bạn thông qua các kênh của họ… Một doanh nghiệp trẻ của một người trẻ thường dễ vung tay chi những khoản chi “nho nhỏ” không dự liệu có khi không lượng sức mình. Cá nhân tôi từng chi hơn chục triệu cho việc quảng cáo mà bản thân mình chưa có kiến thức, cũng như dự liệu cho việc này. Tôi hầu như chỉ nhận được những “lời khen” đến ngọt miệng của bạn bán quảng cáo đó mà thôi. Và những việc làm mang tính ngẫu hứng tương tự có thể đốt quĩ tiền khởi nghiệp hạn hẹp của chúng ta đến êm ái mà khi nhận ra có thể là quá trễ. Một mặt bằng “đẹp” cao hơn một chút, một cuộc “tiếp khách” nới tay… hãy cẩn thận vì đó là những cái hố cắm đầy hoa thơm.
Trang tiếp theo trong cuốn sổ tay của tôi là Lựa Chọn Đối Tác. Trước đây, hiện tại và sau này với tôi luôn một quan điểm là NoBoss, không có khái niệm chủ - tớ. Chúng ta đều là những người làm thuê, khác biệt một chút của những người bỏ vốn, trí não…những người đầu tư nhiều hơn và chịu rủi ro nhiều hơn so với những người khác. Chi phí cơ hội cao hay thấp hơn nhau mà thôi, ôi cũng về một bến cả. Và với quan niệm này, tôi tự tin lựa chọn cho mình những đối tác để phát triển dự án của mình.
Nhưng, lựa chọn Đúng Đối TácĐúng Thời Điểm để chọn Đối Tác A hay B lại là vấn đề mang tính then chốt, nó quyết định sự thành bại của dự án.
Tôi đã từng có những Thời Điểm lựa chọn Sai, tôi hiểu cảm giác này và luôn nghiền ngẫm về nó. Đối Tác được lựa chọn Sai Điểm khi đó là những người bạn Cấp 3 của tôi. Khi đó chúng tôi quá trẻ, tư duy có phần nào “vĩ đại”, chưa hình dung được cho mình những phức tạp trong mối quan hệ này, dẫu trước đó chúng tôi ăn cùng nhau, ở cùng nhau và có biết bao kỷ niệm chẳng bao giờ phai được. Hệ quả là chúng tôi mất nhau.
Tôi mất 4 người bạn, và mất cả một thời gian khủng hoảng về các mối quan hệ Bạn Bè thời cắp sách theo cái kiểu - chim sợ cành cong. Hãy thật cẩn trọng và lựa chọn cho mình những trái tim nhiệt huyết, bền bỉ và có tư duy sâu sắc! Đó là châm ngôn của tôi hiện tại khi chung bước với Đối Tác. Tri kỉ chỉ có thể là cùng chung Nền Tảng và Ý Chí.
Tôi vẫn phân tích khi có cơ hội về Bill và Paul (đồng sáng lập Microsoft) hay Hai Bạn làm nên Google…và đôi khi lãng mạn một chút, tôi thường đọc lại giai thoại Bá Nha và Tử Kỳ cho chính mình - một đàn và một lỗ tai. Thật thú vị.
Lẽ dĩ nhiên, còn rất nhiều yếu tố nếu không nói là đầy rẫy các bài học được viết thành sách. Nhưng với những người trẻ khởi nghiệp, tôi cho rằng đánh giá và lượng hóa được các cạm bẫy trên là một trong những trải nghiệm khá tốt, các bạn có thể giả lặp cho mình tư duy trước, để khi chạm phải hoặc có ngã cũng sẽ đỡ đau hơn. Vì ngã là điều chắc chắn mỗi đứa trẻ trước khi trở thành Ronaldo đều trải qua cả. Có khác chăng một chút là ở những cầu thủ chuyên nghiệp, họ thường học cách té trước.
Với những trải nghiệm may mắn bé nhỏ của mình, hiện tại với dự án sản xuất Bàn Gỗ Mlucky và chuột May Mắn KunKun, tôi và các đồng nghiệp tự tin hơn, và biết điều phối bao nhiêu là hợp lý cho marketing, bao nhiêu cho sản xuất, phát sinh, nhân sự và xử lý khủng hoảng…tôi cũng nhận ra rằng mình chỉ cần thực hiện tốt những công việc cần phải làm tiên quyết, và rèn luyện cho mình tư duy của một người làm qui hoạch từ những điều nhỏ nhất, vừa sức. Quan trọng hơn là chúng tôi biết đánh giá tiềm lực, rủi ro và phối hợp với nhau tốt hơn lên rất nhiều từ những sai lầm trước đây. Chúng ta không thể nào một lúc xây dựng một mô hình vĩ đại, nhưng hãy thực hiện những bước đi nhỏ, vững chắc và hướng đến hoàn thiện nó với một tầm nhìn vĩ đại.
Trong khả năng có thể của mình, tôi sẽ chia sẻ với các bạn nhiều hơn. Và những sai lầm cũng như khủng hoảng của mình trước đây, tôi chẳng bao giờ mong các bạn sau tôi lại lặp lại nó như việc sai hoài chính tả cũng như cộng trừ nhân chia trong trường học, vì cái giá của nó không phải ai cũng chấp nhận và vượt qua được. Hạn chế được bao nhiêu và kế thừa cho những người bước tiếp là điều tôi vẫn luôn cố gắng để có thể sẻ chia.
Ước mơ của tôi không phải là những người giàu nhất, giỏi nhất hay nổi tiếng nhất. Nó đơn giản lắm, là người hạnh phúc và sẻ chia hạnh phúc ấy cho cộng đồng mà tôi được sinh ra, lớn lên và phát triển.
Chúc các bạn luôn hạnh phúc và thành đạt.

5 bài học thú vị về khởi nghiệp

Nhiều người nghĩ rằng dấn thân vào thương trường đòi hỏi có hoài bão, đam mê, dám đương đầu với rủi ro.
Nhưng vẫn có những người thành công mà cần điều đó.
1. Không cần đột phá
Trên thực tế, nhiều doanh nhân đã thành công khi chỉ cần thay đổi một đặc tính rất nhỏ của các sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh hiện tại. Cinemex là ví dụ điển hình, họ đã rất thành công trong việc đưa hệ thống rạp chiếu phim đa màn hình từ Mỹ về Mexico. Nhà đồng sáng lập ra công ty này cho biết: “Điểm khác biệt duy nhất là chúng tôi dùng nước chanh thay vì bơ để cho vào bỏng ngô”. Chỉ nhờ có vậy, họ đã thay đổi được văn hóa xem phim rạp ở đây, thống trị hoàn toàn thị trường và tạo ra khoản lợi nhuận 300 triệu USD.
2. Không cần rủi ro
Khởi nghiệp thường đi kèm với nguy cơ mất tiền hoặc thất bại. Tuy nhiên, kể cả khi bạn đã có một vị trí với mức lương ổn định, thì vẫn còn nhiều rủi ro khác, như bị sa thải, gặp phải sếp kém cỏi hay chế độ đãi ngộ thấp.
Và một khi đã có quyết định kinh doanh, thì các doanh nhân sẽ cố gắng giảm thiểu tối đa mức độ rủi ro, một phần bằng cách hình thành các mối quan hệ hợp tác để phân tán rủi ro, đồng thời biến các động thái rủi ro cao trở nên ít nguy cơ hơn để có thời gian học hỏi và thích nghi dần dần.
Mary Gadams, nhà sáng lập RacingThePlanet ở Hong Kong, đã rất thành công trong việc tổ chức các sự kiện thể thao và siêu marathon thương mại. Bà sử dụng các tình nguyện viên, giữ chi phí cố định ở mức thấp, đưa nhiều sự kiện vào cùng một lúc và buộc người tham gia phải trả trước hàng nghìn USD, và đó chính là nguồn dự trữ tiền mặt lớn để bà tổ chức các sự kiện này.
3. Không cần theo đuổi những cơ hội
Cơ hội không phải là thứ có thể theo đuổi được. Thế nhưng phần lớn chúng ta lại cho rằng cơ hội là những chùm quả chín mọng trên giàn đang chờ được hái xuống. Trên thực tế, cơ hội là yếu tố chủ quan, và nó chỉ nảy sinh khi doanh nhân tin tưởng rằng họ đang nắm giữ một khả năng, thông tin hoặc tài sản đặc biệt nào đó.
Công ty tư vấn luật Clutch Group được hình thành từ chính kĩ năng bán hàng xuất sắc của Abhi Shahi. Kĩ năng này có được từ việc bán kinh thánh suốt thời sinh viên của anh. Chính nó đã giúp anh thuyết phục được các lãnh đạo của một số ngành công nghiệp hàng đầu hợp tác và đầu tư vào công ty của mình. Kết quả là ClutchGroup luôn được đánh giá là nhà cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý hàng đầu trên thị trường.
4. Không cần đam mê
Trung thành, nhiệt tình, chăm chỉ, kiên trì, có khả năng tập hợp mọi người – đúng là có cần thiết, thế nhưng còn đam mê thì sao? Đó là một thứ cảm xúc bóp méo và làm mờ mắt con người. Trên thực tế, công việc khó khăn nhất đối với một doanh nhân mới khởi nghiệp là làm sao để vừa hành động dứt khoát khi thấy có bất ổn vừa phải luôn tự phê bình bản thân và tiếp nhận kiến thức mới.
Gabriel Meron – nhà sáng lập Given Imaging đã đưa nhà sản xuất viên nang nội soi của Israel lên sàn Nasdaq năm 2001. Kể từ khi rời khỏi công việc kinh doanh tốt đẹp vào năm 2006, Meron đã hoạt động trong một lĩnh vực mới dựa trên một bài thử nghiệm đơn giản giúp hỗ trợ chẩn đoán các bệnh về động mạch vành. Rõ ràng ông đã bị thuyết phục rằng đây sẽ là một thành công lớn đáng để đầu tư tiền của và thời gian, và rõ ràng là còn có các cơ sở khoa học đảm bảo cho sự thành công của cuộc thử nghiệm nữa. Nhưng Meron biết rằng sẽ có rất nhiều điều bất ngờ, ông đã tuân theo các quy tắc của FDA để chứng minh hiệu quả của thí nghiệm, và ông biết rằng việc thương mại hóa một loại thuốc là cả một quá trình dài.
Luôn giữ một cái đầu lạnh, sáng suốt, kiên trì và điêu luyện là tất cả những gì có thể nói về Meron và phương pháp của ông. Đam mê không hề nằm trong nhóm đó. Vì vậy, lời khuyên cho các doanh nhân chuẩn bị khởi nghiệp là hãy để lại đam mê của mình trong phòng ngủ, vén mành lên và để cho ánh nắng chói chang rọi sáng lên kế hoạch kinh doanh của bạn.
5. Kinh doanh không tốt cho sức khỏe
Mặc dù một cuộc bỏ phiếu gần đây cho thấy rằng 80% người dân Ba Lan nghĩ doanh nhân Ba Lan là những kẻ lừa đảo, thì trái lại, hình ảnh về các doanh nhân Mỹ lại là mẫu mực về trí tuệ, đạo đức và sức khỏe. Tuy nhiên, mặt tối của những vấn đề này chính là một phần không nhỏ các doanh nhân đang phải khổ sở với những niềm say mê thử thách, thành tựu và giải thưởng. Hậu quả là, họ càng ngày càng tìm đến những thử thách lớn hơn, và cứ thoát khỏi cái này là lại vướng vào một cái khác.
Bert Twaalfhoven, 45 tuổi và đã có tổng cộng 54 lần kinh doanh, phần lớn liên quan đến công nghiệp vũ trụ. Ông không hề nghèo, và tài sản thừa kế kếch xù của vợ chính là vốn cho ông kinh doanh lần đầu tiên, và do vậy, không phải ông làm những việc này vì tiền. Ông là một người đam mê kinh doanh. Nhưng nó nguy hiểm ở chỗ phần lớn người đam mê muốn lôi kéo nhiều người khác như mình nữa. Sau khi bán công ty cuối cùng của mình năm 2001, Bert tiếp quản Diễn đàn nghiên cứu khởi nghiệp châu Âu – một chương trình truyền bá sự đam mê kinh doanh trên khắp châu Âu thông qua giáo dục và cải cách chính trị.
Chúng ta càng tránh xa thứ gì đó, thì ta lại càng thấy nó đơn giản. Các nhà khởi nghiệp thực thụ biết rằng khởi nghiệp là một tập hợp các hoạt động và thái độ phức tạp thách thức tất cả những lời giải thích đơn giản. Do vậy, một quan điểm thực tế về khởi nghiệp thực sự là gì sẽ giúp tất cả chúng ta thành công trên lĩnh vực mà ta đã chọn.
Hà Thu (theo Forbes)

Học tính chuyên nghiệp ở một doanh nghiệp tổ chức đám ma

Sự chuyên nghiệp theo tôi đó là hoàn thành công việc vượt trên cả sự mong đợi. Tôi đã học được điều này từ vô số ví dụ trong cuộc sống, trong đó có công ty đứng ra làm dịch vụ ma chay cho bà nội tôi.
Sáng Chủ nhật vừa rồi, tôi đứng lớp trong một buổi đánh giá kế hoạch kinh doanh của học viên và chia sẻ kinh nghiệm quản lý tại Trường Doanh chủ. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, trong đó, một nữ học viên đang làm việc tại một doanh nghiệp Nhà Nước hỏi tôi rằng: “Với cương vị là một nhà quản lý, yêu cầu lớn nhất của anh với nhân viên của mình là gì?”. Câu trả lời của tôi là: “Sự chuyên nghiệp!”.
Có khá nhiều định nghĩa về sự chuyên nghiệp. Với tôi, chuyên nghiệp tức là hoàn thành các công việc được giao vượt trên sự mong đợi của lãnh đạo, khách hàng, đối tác hay đồng nghiệp…
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận - PNJ.
Cách đây khoảng 4 tháng, bà nội của tôi mất ở Bình Dương. Gia đình đã thuê một công ty làm dịch vụ mai táng. Trong thời gian rất ngắn, nhân viên dịch vụ mai táng đã hoàn tất các công việc như liệm, dựng rạp, giao bàn ghế, ly chén và kể cả việc cử người lên giữ xe của khách đến viếng. Có trong cảnh tang gia bối rối, mới thấy được giá trị của sự chuyên nghiệp mà dịch vụ mai táng này mang lại.
Và một điều bất ngờ hơn nữa là khi trả tiền cho dịch vụ mai táng, tôi mới phát hiện ra là mình đã mua của họ 40kg gạo. Tôi hoàn toàn không yêu cầu chuyện này và cũng không biết họ đã giao gạo cho nhà bếp lúc nào. Thì ra, dịch vụ mai táng này biết rằng, đám ma ở quê, chắc chắn có chuyện phải nấu cơm đãi khách đến viếng nên họ giao luôn gạo cho gia chủ. Gia đình trong lúc tang gia bối rối khỏi phải mất công đi mua và gạo cũng ngon nên nhà bếp gia đình rất hài lòng. Trên đây là một ví dụ nhỏ về sự chuyên nghiệp mà theo định nghĩa của tôi đó là hoàn thành công việc vượt trên sự mong đợi.
Trong công việc quản lý, tôi cũng thường quan sát và đánh giá sự chuyên nghiệp của nhân viên. Với tôi, yêu cầu quan trọng nhất là cần phải hiểu rất rõ và thấu đáo yêu cầu của công việc được giao và những kết quả mà người giao việc mong muốn. Các kết quả mong đợi sẽ bao gồm chất lượng hoàn thành công việc, thời gian và những ý kiến, ý tưởng đề xuất có liên quan. Sau khi đã hiểu thấu đáo, yêu cầu và kỳ vọng của công việc, người chuyên nghiệp sẽ suy nghĩ rộng và sâu hơn. Mình có thể làm được gì nhiều hơn, lớn hơn, hiệu quả hơn yêu cầu của công việc này? Muốn làm được như vậy, chắc chắn đòi hỏi bạn phải có kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm phù hợp cùng với thái độ làm việc tích cực.
Việc liên tục trau dồi và nâng cao kiến thức chuyên môn là việc làm bắt buộc trên con đường trở thành một người làm việc chuyên nghiệp. Ngoài ra, để làm tốt công việc, bạn cần phải thật sự “hiện diện”, toàn tâm và toàn ý với công việc mà mình đang làm. Chúng ta có rất nhiều lần trong đời, không thật sự “ hiện diện” với công việc đang làm. Chúng ta làm việc nhưng tâm trí đang nằm ở chổ khác, ngồi họp nhưng tâm trí đang nằm ở việc nhắn tin điện thoại hoặc suy nghĩ vẩn vơ về giá chứng khoán, giá vàng… đang sôi động ngoài kia.
Để hoàn thành công việc vượt trên sự mong đợi ai cũng hiểu là hoàn toàn không đơn giản. Tuy nhiên, nếu như chúng ta tập trung suy nghĩ về chuyện này, tôi vẫn tin rằng sẽ luôn luôn tìm ra được những sáng kiến, giải pháp để hoàn thành công việc vượt trên kỳ vọng. Qua đó, sẽ góp phần mang lại hiệu quả thiết thực và cũng thể hiện được sự toàn tâm toàn ý và năng lực làm việc của bạn. Câu trả lời của người chuyên nghiệp sẽ là: “Tôi không chỉ hoàn thành công việc theo yêu cầu của quý vị mà còn đưa ra những đề nghị, giải pháp để giải quyết vấn đề này tốt/khoa học/hiệu quả hơn”.
Vấn đề quan trọng không kém đó là thời gian hoàn thành công việc. Tôi có một trải nghiệm cụ thể: Tôi cần báo cáo đánh giá về một công ty để tham khảo trước khi gặp họ để bàn về cơ hội hợp tác kinh doanh. Yêu cầu bắt buộc là trước 8 giờ sáng mai, bảng báo cáo phải có trên bàn làm việc của tôi. Tôi giao việc này cho 2 nhân viên A và B cùng làm. 8 giờ sáng hôm sau, trên bàn của tôi chỉ có một báo cáo của anh A. Kết cấu báo cáo khá tốt tuy nhiên, trong đó có nhiều phần để trống và anh A ghi là do giới hạn về thời gian nên chưa tìm được thông tin, sẽ bổ sung sau. Tôi hài lòng với báo cáo này. Còn anh B thì gãi đầu phân bua với tôi: “ Nhiều thông tin quá, em đang tập hợp lại và anh cho em thêm 3 ngày nữa nhé!”.
Tất nhiên, là tôi không đánh giá cao anh B này cho dù sau 3 ngày, có thể báo cáo của anh B tốt hơn anh A. Vì vậy, việc giữ đúng lời hứa hay cam kết là rất quan trọng. Các công việc được giao đều có “deadline”. Và trong những công việc có sự phối hợp của nhiều phòng ban thì tuân thủ đúng “deadline” là hết sức quan trọng. Cái dễ nhận thấy nhất có liên quan đến cam kết trong công việc đó chính là báo cáo định kỳ.
Trong nhiều năm qua, tôi nhớ là mình đã hò hét, thậm chí hăm dọa không biết bao nhiêu lần để các bạn nhân viên đảm bảo được việc nộp báo cáo đúng giờ. Có vô vàn lý do mà các bạn nhân viên đưa ra để báo cáo trễ. Trong khái niệm về chuyện giữ lời hứa còn có việc có mặt đầy đủ tại các cuộc họp mà bạn đã cam kết dự và đến đúng giờ. Tôi càng thấm thía điều này khi tham gia một khóa học về quản lý, thầy giáo đã dành gần 4 giờ đồng hồ chỉ để giúp học viên hiểu và nhập tâm một câu rất ngắn gọn, chỉ có 6 từ: “ Tôi là lời nói của tôi!”
Một thực tế là có nhiều người rất chuyên nghiệp trong chuyện này nhưng lại không chuyên nghiệp trong chuyện khác. Vì vậy, để trở thành một người làm việc rất chuyên nghiệp, đòi hỏi một sự nỗ lực và phấn đấu liên tục. Suy cho cùng, sự chuyên nghiệp cũng chỉ là những nấc thang trên con đường hoàn thiện bản thân của mỗi người chúng ta.
Nguyễn Tuấn Quỳnh

Trở thành doanh nhân từ những ngông cuồng, dại dột

Tôi có một thời tuổi trẻ ngông cuồng và nhiều dại dột. Ngông và dại thì chả bao giờ hay mà chỉ dẫn đến nhiều phiền toái, cay đắng. Song cũng nhờ đó tôi đã cảm nhận được cuộc sống và giá trị đồng tiền.
Tốt nghiệp phổ thông với học lực khá và là học sinh giỏi văn ở trường, tôi hoàn toàn có thể thi đỗ vào đại học. Nhưng chỉ vì một chút ngông cuồng của tuổi trẻ, bỏ ngoài tai mọi lời khuyên của bố mẹ, tôi vào học ở trường xiếc. Một bước rẽ ngang không tồi nếu tôi theo đuổi công việc mà mình lựa chọn đến cùng. Nhưng đáng tiếc vẫn vì một chữ ngông mà tôi lại bỏ dở.
Khi đó bố mẹ tôi tá hỏa. Con trai lớn ở nhà không nghề ngỗng, không học hành, thì hư sớm. Nên bố mẹ bắt tôi học một nghề nào đó để tự nuôi thân. Do quen biết, ông bà xin cho tôi học thợ hàn. Không thể cưỡng lại và cũng chán ngồi nhà, tôi bước chân vào con đường học làm thợ.
Ông Lê Dũng: "Tôi đã trở thành doanh nhân nhờ những ngày làm thợ hàn khốn khó".
Gọi là học, nhưng thực ra không phải là các khóa học như các bạn hình dung bây giờ, đơn giản là đi làm theo những người thợ chính để họ chỉ bảo. Người được giao hướng dẫn tôi lại thích đùa ác ý. Rất nhiều lần, ông sai tôi chắp 2 đầu của mối hàn để cho ông hàn. Khi tôi đang loay hoay chắp vào cho khít thì ông bất ngờ dí luôn mũi hàn vào, tia hồng ngoại bắn tung tóe làm mắt tôi bị bỏng hồ quang. Rất đau đớn.
Tối về tôi phải chườm mắt bằng đá mới dịu đi được phần nào. Mắt không thể mở ra được, ánh sáng chiếu vào làm đau nhiều hơn nữa. Sáng dậy, tôi vẫn phải đi làm, vừa đạp xe vừa nhắm mắt, thỉnh thoảng mới hé mắt ra chút để nhìn đường rồi lại nhắm tịt lại, đâm vào gốc cây ngã lăn quay ra đường.
Sức thanh niên như tôi ngã cũng chẳng đau nhưng cái cặp lồng cơm trưa treo ở ghi đông văng ra đường, cơm rau bắn ra tung tóe. Lồm cồm bò dậy dựng xe, nhặt cặp lồng, vừa ngượng vừa cay đắng trước con mắt hiếu kỳ của mọi người qua lại. Thế nhưng, ông thợ đâu chỉ đùa tôi một lần như thế.
Ngày ngày, ông bắt tôi làm từng thao tác tỷ mẩn và lặp đi lặp lại như thế. Lâu lâu lại cho tôi một vố. Thế nhưng, sự đau đớn ấy lại cho tôi nhìn nhận một khía cạnh khác, thực tế của đời sống. Và chẳng biết từ lúc nào, tôi hiểu rằng muốn làm được bất cứ việc gì dù to dù nhỏ cũng phải đi từ cái đơn giản nhất.
Và từ quãng đời lăn lộn làm thợ, tôi biến đổi thành con người khác. Từ một thanh niên con nhà tử tế, tôi biến thành một người biết nói tục chửi bậy, biết hút thuốc lào, biết cờ bạc… Lương mỗi tháng lĩnh 300.000 đồng, nộp tiền ăn cho mẹ hơn 100.000 đồng, còn lại trả tiền cắm quán nước.
Từ đây, tôi nhận ra rằng sống trong môi trường nào, con người sẽ bị biến đổi theo chiều ấy. Hay như ông bà ta vẫn nói đi với "Bụt mặc áo cà sa đi với ma mặc áo giấy". Bạn nghĩ mình là ai thì bạn sẽ trở thành người đó. Rồi một ngày tôi tỉnh ra, quyết phải quay lại con đường học hành, tôi mất nửa năm làm thợ, tối đi học thêm ôn thi đại học với quyết tâm rất lớn. Và đúng sau 2 năm làm thợ, tôi thi đỗ đại học kinh tế quốc dân. Từ lúc đó đời tôi ngoặt sang hướng khác.
Những khổ cực trong giai đoạn này thực ra không trôi đi vô ích, nhờ nó tôi đã nung nấu khát vọng cháy bỏng phải trở thành một doanh nhân thành đạt và giàu có. Rất nhiều đêm, trước khi ngủ, tôi đều nằm và hình dung ra con người mà tôi muốn trở thành sau này, cái nhà tôi sẽ ở, cái xe tôi sẽ đi, công việc tôi sẽ làm... Chính những hình ảnh cụ thể và chi tiết mà tôi đã tưởng tượng ra đã trở thành động lực to lớn giúp tôi vượt lên trên mọi vất vả để đạt được thành công ngày hôm nay.
Kinh doanh là cái nghiệp
Thấm thía sức nặng của đồng tiền từ những ngày còn làm thợ, nên từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất, tôi đã bắt đầu vào nghiệp kinh doanh và từ chối không nhận bất cứ sự giúp đỡ về vật chất nào của gia đình. Đó là cách tôi tự tạo ra sức ép để tăng tự lập.
Tôi tập hợp được một nhóm bạn làm đủ các việc có thể kiếm được tiền. Thông thường nhất là đi thuyết phục nhận thầu lắp đặt điện, nước, thiết kế nội thất... Cho các công trình xây dựng, sau đó chuyển cho các đối tác làm và ăn hoa hồng. Thời gian này, tôi ngộ ra một điều, kiếm tiền không nhất thiết phải lao động quần quật, phải biết tư duy một cách thông minh và nhanh nhạy và biết nắm bắt cơ hội. Tôi quyết định xin vào làm việc tại một công ty quảng cáo với mục đích tìm hiểu sự vận hành của một công ty từ bên trong.
Một thời gian ngắn, tôi được đề bạt vào chức vụ phụ trách công việc kinh doanh của công ty. Tại đây, tôi bước đầu có sự hình dung về mô hình hoạt động của một công ty, mặc dù còn ở mức độ rất sơ khai, cũng như rèn luyện được kỹ năng tiếp xúc và thuyết phục khách hàng. Lúc này tôi vẫn còn là sinh viên.
Đúng khi tốt nghiệp ra trường, công việc ở công ty quảng cáo không còn hấp dẫn nữa, do sự tình cờ tôi về làm việc cho nhiều dự án. Đây thực sự là quãng đời đem đến cho tôi nhiều trải nghiệm mới mẻ và giúp tôi tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, kỹ năng, cũng như các mối quan hệ cho công việc kinh doanh sau này của mình. Do phải tiếp xúc với nhiều loại người trên khắp mọi miền đất nước, tôi rèn luyện được khả năng thích ứng rất cao.
Làm ở đây 5 năm, khi cảm thấy tại đây khó có thể đạt được mục đích mà mình đã đạt ra, tôi quyết định xin thôi việc, ra ngoài mở doanh nghiệp riêng. Tôi cùng với bạn góp vốn mở công ty sản xuất nước uống tinh khiết. Tại đây, tôi đã làm tất cả các công việc từ A - Z, từ giám đốc, kế toán, tiếp xúc khách hàng, thậm chí thành ông xe ôm chở hàng cho khách nếu cần.
Thực tế, khi bắt tay vào việc tôi mới có kinh nghiệm của một giám đốc kinh doanh, vì vậy tôi vấp phải hàng loạt các vấn đề khác trong việc quản lý doanh nghiệp. Từ việc nhân viên khó bảo, liên tục đòi tăng lương, đến các việc liên quan đến luật pháp, luật doanh nghiệp, chăm sóc khách hàng... Tôi thấm thía một điều, làm sếp mà không biết cách, thì khổ hơn nhân viên nhiều lần. Công ty thu nhập tốt, nhưng thực tế tôi đã phải gồng mình gấp nhiều lần thực lực của bản thân. Tôi mà buông thì coi như doanh nghiệp cũng sụp, mà cứ tiếp như thế này thì không ổn.
Trong lúc đang loay hoay tìm lối thoát, tôi gặp được một người đã dẫn mình sang một bước ngoặt mới. Cuộc gặp gỡ hoàn toàn tình cờ, khi tiếp cận khách hàng. Anh là người có kiến thức uyên thâm cũng như nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh. Nhờ anh, tôi vỡ ra nhiều điều. Tôi biết đến khái niệm kim tứ đồ của Robert Kiyosaki và biết cách định vị bản thân. Hóa ra, cứ ngỡ mình là chủ doanh nghiệp, nhưng thực chất tôi vẫn còn loay hoay ở phía bên trái kim tứ đồ, vị trí của nhóm người làm tư. Tôi chỉ có vỏ ngoài là một chủ doanh nghiệp, còn tôi vẫn mang tâm thức của một người nghèo. Chính điều này làm tôi làm việc rất vất vả và có thành công thì cũng không bền.
Dưới sự tư vấn của anh và sự tự học hỏi, tôi đã thay đổi tư duy và nhận thức, việc điều hành doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn. Ngoài việc kiếm tiền, tôi bắt đầu học cách giữ tiền và đầu tư những đồng tiền kiếm được. Lần đầu tiên, tôi có 100 triệu đồng trong tay, rồi 200 triệu đồng... Đến năm 2007, tôi và một số người bạn quyết định thành lập công ty hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư tài chính, đào tạo, xây dựng...
Đúc kết lại kinh nghiệm lăn lộn trên thương trường của mình, tôi nhận thấy quy trình chung có thể đưa mọi người đến thành công có thể rút ngọn như sau:
- Phải xác định mục tiêu cuộc đời mình càng sớm càng tốt và hình dung rất rõ ràng về con người mình muốn trở thành (như tôi đã làm), điều này sẽ là động lực to lớn cho bạn mỗi khi vấp phải khó khăn.
- Để đạt được mục tiêu của mình, bạn không nề hà con đường phải trải qua, chấp nhận thay đổi phương pháp nhưng dứt khoát không thay đổi mục tiêu.
- Nên thử thách ở nhiều môi trường khác nhau để tìm ra vị trí thích hợp nhất. Những điều bạn đã làm, đã trải qua, cho dù không đến được cái đích mà mình mong muốn nhưng cũng không mất đi, nó sẽ là vốn sống giúp bạn đạt được thành công sau này.
- Cách nhanh nhất để đạt được mục tiêu phải tìm được một người thày. Người thày ở đây có thể là một con người cụ thể, một cuốn sách gối đầu giường... Mình sẽ có cơ hội được nhận miễn phí những kinh nghiệm mà người khác đã phải trả giá đắt.
- Trước khi bắt tay vào lập nghiệp hãy nhìn ra thế giới và tìm hiểu một khái niệm mới với người Việt Nam nhưng đã rất phổ cập ở các nước phát triển đó là khoa học học làm giàu. Nếu bạn chưa có nhiều tiền để tham gia những khóa học như tôi đã học, thì Internet là công cụ tốt giúp bạn thực hiện điều đó.
Lê Dũng

Doanh nhân với triết lý 'Cho - Nhận'

Sự thức tỉnh lần đầu tiên đến với tôi khi đọc cuốn sách "Bí quyết làm giàu vĩ đại nhất trong lịch sử" của Joe Vitale. Tác giả khẳng định rằng bí quyết làm ra tiền vĩ đại nhất trong lịch sử loài người là hãy đem cho người khác tiền.
Khi còn rất nhỏ, tôi đã nghe và đọc rằng cõi sống của chúng ta chỉ là cõi tạm. Khi chết đi chúng ta chẳng thể mang theo bất cứ thứ gì, chỉ có những gì cho đi là còn truyền lại mãi. Khi còn trẻ, còn vất vả trong cuộc mưu sinh và tìm chỗ đứng trong cuộc sống, rất ít người suy tư về vấn đề này. Tôi cũng vậy, 28 tuổi là cái mốc tôi bắt đầu có những trăn trở và trải nghiệm về triết lý sâu xa này của sự sống.
Sự thức tỉnh bước đầu đến với tôi từ lần đọc cuốn sách "Bí quyết làm giàu vĩ đại nhất trong lịch sử "của Joe Vitale. Tác giả khẳng định rằng bí quyết làm ra tiền vĩ đại nhất trong lịch sử loài người là hãy đem cho người khác tiền. Ông đã lấy dẫn chứng từ cuộc sống của rất nhiều các tỷ phú nổi tiếng trên thế giới để chứng minh.
Ông viết, John D. Rockefeller dạy con triết lý sâu xa của đạo làm giàu rằng: Từ khi cha mới có những đồng tiền đầu tiên, từ hồi cha còn là một đứa trẻ, cha đã bắt đầu cho tiền. Cho đến nay cha vẫn tiếp tục làm điều này. Và khi càng có nhiều tiền, cha càng cho nhiều hơn…
John D. Rockefeller muốn con mình hiểu thấu một cơ chế vận động của cuộc sống: Nếu đem tiền cho đi và không mong đợi họ sẽ trả lại thì tiền sẽ quay trở lại với người cho từ một nơi khác, nhiều hơn gấp trăm lần.
Đọc những dòng Joe Vitale viết về bí quyết làm giàu, tôi bắt đầu ý thức được vế thứ 2 của việc “cho đi”. Vế “được” của sự “mất”. Nếu hiểu theo nghĩa rộng hơn - không chỉ là giàu có về vật chất - bạn sẽ thấy: Cho đi cái gì, bạn sẽ nhận được và trở nên giàu có hơn cái đó.
Cho đi sự tử tế, bạn sẽ nhận về sự tử tế nhiều hơn gấp bội; cho đi tri thức, bạn sẽ nhận về tri thức nhiều hơn gấp bội; cho đi tình yêu, bạn sẽ nhận về tình yêu nhiều hơn gấp bội…
Tương tự như vậy đối với cái ác. Nếu gây thù hận, bạn sẽ nhận được đầy ắp oán thù; Nếu keo kiệt, khi cần bạn sẽ bị người khác phủi tay quay lưng lại… Chính bạn là người tạo nên mạch chảy của cuộc sống tinh thần xung quanh bạn. Đọc đến đây, chắc nhiều người có ý nghĩ rằng không có gì mới. Và một điều nữa cũng rất cũ: Biết và tin là một khoảng cách rất xa. Tôi cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Những năm tiếp theo của cuộc đời tôi bắt đầu chiêm nghiệm chân lý đó bằng chính trải nghiệm của mình. Tôi chập chững khám phá, thoạt tiên với thái độ nửa tin nửa ngờ, càng ngày phần trăm tin tưởng ngày càng cao. Và cho đến một ngày, sau khi xảy ra một sự kiện đặc biệt, tôi hoàn toàn bị khuất phục.
Cậu bé Giàng Mí Phình, 3 tuổi, người dân tộc Mèo ở Hà Giang, bị ung thư hốc mắt. Ảnh: L.D.
Đầu năm 2009, tôi cùng một số người bạn tâm huyết thành lập ra nhóm thiện nguyện "Lá Me Xanh". Bắt đầu với chưa tới 50 người, đến nay đã có tới hơn 200 thành viên. Sáng Chủ nhật hàng tuần, chúng tôi đều tới Viện K2 ở Tam Hiệp, Hà Nội - bệnh viện chuyên điều trị căn bệnh ung thư - thăm các bệnh nhân nhỏ tuổi bị căn bệnh hiểm nghèo. Ở đây, chúng tôi tự tay nhóm bếp, nấu cháo, bón cháo và kể chuyện, đọc thơ cho các em.
Những dịp lễ Tết, chúng tôi tổ chức những buổi văn nghệ nho nhỏ. Sân khấu được dàn dựng đơn giản trong chính phòng họp của các bác sĩ hoặc ngay ngoài sân bệnh viện. Mắt các khán giả nhỏ lấp lánh niềm vui, cho dù các em ngồi xem với những ống truyền treo lủng lẳng, với những cái đầu trọc lốc vì những đợt hóa trị, với những gương mặt còn tái dại sau những ca phẫu thuật…
Những lần đến đây, tôi thường xuyên cho cậu con trai 6 tuổi đi cùng. Tùy theo sức của mình, cháu tham gia vào những việc của chúng tôi. Có lẽ, tại đây lần đầu tiên, cháu nhìn thấy những góc khác của cuộc sống từ những người bạn kém may mắn hơn mình. Những bệnh nhân nhỏ tuổi ở đây không những phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, mà còn phải chiến đấu với sự nghèo khó. Tôi cảm nhận được sự xao động mạnh trong tâm hồn cháu sau sự ra đi của bé Giàng Mí Phình, 3 tuổi, người dân tộc Mèo ở Hà Giang, bị ung thư hốc mắt.
Mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng bé Phình ra đi không vì căn bệnh quái ác này mà bị suy kiệt thể chất vì gia đình không có điều kiện chăm sóc tốt. Trong những ngày điều trị tại Hà Nội, hai bố con cháu Phình chỉ có 5 nghìn đồng chi trả cho sinh hoạt 1 ngày. Bé Phình mất cuối năm 2009. Sáu tuổi, con tôi đủ hiểu với 5 nghìn đồng thì có thể mua được những gì.
Bẵng đi hơn 2 tháng. Sau Tết, cháu ngồi đếm số tiền mừng tuổi của mình. Tần ngần mất một lúc, cháu mang toàn bộ số tiền đó đưa cho tôi và nhờ bố chuyển cho các bạn ở bệnh viện K2. Để thử con, tôi đã gợi ý rằng, con có thể dùng số tiền này để mua ô tô, mua bộ đồ chơi siêu nhân mà con thích nhưng cậu con trai vẫn nhất quyết: "Bố mua đồ ăn cho các bạn giúp con". Tôi sửng sốt cảm nhận được một quyết định đã chín của một đứa trẻ còn non nớt trên mọi phương diện.
Hành động của con làm tôi thao thức cả đêm hôm đó. Vào lúc đưa cho tôi cái phong bì, con trai tôi đã làm chủ được cảm xúc của mình, chế ngự được lòng ham muốn của bản thân - điều không dễ đối với cả một người đã trưởng thành và ít nhiều từng trải như tôi. Khi đã làm chủ được một hành động, cháu sẽ dễ dàng làm chủ được những hành động khác của mình. Đây thực sự là một phần thưởng vô giá đối với tôi.
Cho đi sự tử tế, tôi nhận về sự tử tế từ một khía cạnh hoàn toàn khác. Cho đi cái gì, bạn sẽ nhận về đúng cái đó, nhưng nhiều hơn gấp bội. Tôi hoàn toàn tin tưởng và bị chân lý này thuyết phục. Hãy vận dụng nó trong cuộc sống để gặp hái những điều mình mong muốn.
Lê Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty