Sự chuyên nghiệp theo tôi đó là hoàn thành công việc vượt trên cả sự mong đợi. Tôi đã học được điều này từ vô số ví dụ trong cuộc sống, trong đó có công ty đứng ra làm dịch vụ ma chay cho bà nội tôi.
Sáng Chủ nhật vừa rồi, tôi đứng lớp trong một buổi đánh giá kế hoạch kinh doanh của học viên và chia sẻ kinh nghiệm quản lý tại Trường Doanh chủ. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, trong đó, một nữ học viên đang làm việc tại một doanh nghiệp Nhà Nước hỏi tôi rằng: “Với cương vị là một nhà quản lý, yêu cầu lớn nhất của anh với nhân viên của mình là gì?”. Câu trả lời của tôi là: “Sự chuyên nghiệp!”.
Có khá nhiều định nghĩa về sự chuyên nghiệp. Với tôi, chuyên nghiệp tức là hoàn thành các công việc được giao vượt trên sự mong đợi của lãnh đạo, khách hàng, đối tác hay đồng nghiệp…
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận - PNJ. |
Cách đây khoảng 4 tháng, bà nội của tôi mất ở Bình Dương. Gia đình đã thuê một công ty làm dịch vụ mai táng. Trong thời gian rất ngắn, nhân viên dịch vụ mai táng đã hoàn tất các công việc như liệm, dựng rạp, giao bàn ghế, ly chén và kể cả việc cử người lên giữ xe của khách đến viếng. Có trong cảnh tang gia bối rối, mới thấy được giá trị của sự chuyên nghiệp mà dịch vụ mai táng này mang lại.
Và một điều bất ngờ hơn nữa là khi trả tiền cho dịch vụ mai táng, tôi mới phát hiện ra là mình đã mua của họ 40kg gạo. Tôi hoàn toàn không yêu cầu chuyện này và cũng không biết họ đã giao gạo cho nhà bếp lúc nào. Thì ra, dịch vụ mai táng này biết rằng, đám ma ở quê, chắc chắn có chuyện phải nấu cơm đãi khách đến viếng nên họ giao luôn gạo cho gia chủ. Gia đình trong lúc tang gia bối rối khỏi phải mất công đi mua và gạo cũng ngon nên nhà bếp gia đình rất hài lòng. Trên đây là một ví dụ nhỏ về sự chuyên nghiệp mà theo định nghĩa của tôi đó là hoàn thành công việc vượt trên sự mong đợi.
Trong công việc quản lý, tôi cũng thường quan sát và đánh giá sự chuyên nghiệp của nhân viên. Với tôi, yêu cầu quan trọng nhất là cần phải hiểu rất rõ và thấu đáo yêu cầu của công việc được giao và những kết quả mà người giao việc mong muốn. Các kết quả mong đợi sẽ bao gồm chất lượng hoàn thành công việc, thời gian và những ý kiến, ý tưởng đề xuất có liên quan. Sau khi đã hiểu thấu đáo, yêu cầu và kỳ vọng của công việc, người chuyên nghiệp sẽ suy nghĩ rộng và sâu hơn. Mình có thể làm được gì nhiều hơn, lớn hơn, hiệu quả hơn yêu cầu của công việc này? Muốn làm được như vậy, chắc chắn đòi hỏi bạn phải có kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm phù hợp cùng với thái độ làm việc tích cực.
Việc liên tục trau dồi và nâng cao kiến thức chuyên môn là việc làm bắt buộc trên con đường trở thành một người làm việc chuyên nghiệp. Ngoài ra, để làm tốt công việc, bạn cần phải thật sự “hiện diện”, toàn tâm và toàn ý với công việc mà mình đang làm. Chúng ta có rất nhiều lần trong đời, không thật sự “ hiện diện” với công việc đang làm. Chúng ta làm việc nhưng tâm trí đang nằm ở chổ khác, ngồi họp nhưng tâm trí đang nằm ở việc nhắn tin điện thoại hoặc suy nghĩ vẩn vơ về giá chứng khoán, giá vàng… đang sôi động ngoài kia.
Để hoàn thành công việc vượt trên sự mong đợi ai cũng hiểu là hoàn toàn không đơn giản. Tuy nhiên, nếu như chúng ta tập trung suy nghĩ về chuyện này, tôi vẫn tin rằng sẽ luôn luôn tìm ra được những sáng kiến, giải pháp để hoàn thành công việc vượt trên kỳ vọng. Qua đó, sẽ góp phần mang lại hiệu quả thiết thực và cũng thể hiện được sự toàn tâm toàn ý và năng lực làm việc của bạn. Câu trả lời của người chuyên nghiệp sẽ là: “Tôi không chỉ hoàn thành công việc theo yêu cầu của quý vị mà còn đưa ra những đề nghị, giải pháp để giải quyết vấn đề này tốt/khoa học/hiệu quả hơn”.
Vấn đề quan trọng không kém đó là thời gian hoàn thành công việc. Tôi có một trải nghiệm cụ thể: Tôi cần báo cáo đánh giá về một công ty để tham khảo trước khi gặp họ để bàn về cơ hội hợp tác kinh doanh. Yêu cầu bắt buộc là trước 8 giờ sáng mai, bảng báo cáo phải có trên bàn làm việc của tôi. Tôi giao việc này cho 2 nhân viên A và B cùng làm. 8 giờ sáng hôm sau, trên bàn của tôi chỉ có một báo cáo của anh A. Kết cấu báo cáo khá tốt tuy nhiên, trong đó có nhiều phần để trống và anh A ghi là do giới hạn về thời gian nên chưa tìm được thông tin, sẽ bổ sung sau. Tôi hài lòng với báo cáo này. Còn anh B thì gãi đầu phân bua với tôi: “ Nhiều thông tin quá, em đang tập hợp lại và anh cho em thêm 3 ngày nữa nhé!”.
Tất nhiên, là tôi không đánh giá cao anh B này cho dù sau 3 ngày, có thể báo cáo của anh B tốt hơn anh A. Vì vậy, việc giữ đúng lời hứa hay cam kết là rất quan trọng. Các công việc được giao đều có “deadline”. Và trong những công việc có sự phối hợp của nhiều phòng ban thì tuân thủ đúng “deadline” là hết sức quan trọng. Cái dễ nhận thấy nhất có liên quan đến cam kết trong công việc đó chính là báo cáo định kỳ.
Trong nhiều năm qua, tôi nhớ là mình đã hò hét, thậm chí hăm dọa không biết bao nhiêu lần để các bạn nhân viên đảm bảo được việc nộp báo cáo đúng giờ. Có vô vàn lý do mà các bạn nhân viên đưa ra để báo cáo trễ. Trong khái niệm về chuyện giữ lời hứa còn có việc có mặt đầy đủ tại các cuộc họp mà bạn đã cam kết dự và đến đúng giờ. Tôi càng thấm thía điều này khi tham gia một khóa học về quản lý, thầy giáo đã dành gần 4 giờ đồng hồ chỉ để giúp học viên hiểu và nhập tâm một câu rất ngắn gọn, chỉ có 6 từ: “ Tôi là lời nói của tôi!”
Một thực tế là có nhiều người rất chuyên nghiệp trong chuyện này nhưng lại không chuyên nghiệp trong chuyện khác. Vì vậy, để trở thành một người làm việc rất chuyên nghiệp, đòi hỏi một sự nỗ lực và phấn đấu liên tục. Suy cho cùng, sự chuyên nghiệp cũng chỉ là những nấc thang trên con đường hoàn thiện bản thân của mỗi người chúng ta.
Nguyễn Tuấn Quỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét