>

* Sự thật về công việc survey kiếm tiền trên mạng

Cách đây một năm, cô cháu gái tôi úp mở khoe có một công việc rất nhẹ nhàng “làm tiền online”. Ban đầu tôi rất dửng dưng không thèm quan tâm, vì công việc của tôi quá sức bề bộn. Nhưng thời gần đây, tôi đã phải lựa thời điểm thuận lợi để hỏi cô cháu, ngõ hầu tôi có thể tìm hiểu cặn kẽ về công việc này.
> Xôn xao tin bà mẹ thất nghiệp kiếm 120 triệu đồng một tháng
Mở đúng tần số, cô cháu cứ thế mà tuôn ra không những thế, chúng tôi nhẩy ngay vô máy computer để nhìn cho tận mắt. Wow! Hộp thơ của cô ấy có trên 3.000 email chưa mở. Nhắp chuột cái nào, là thấy tiền, tiền, đại khái cái email nào cũng “kêu” giống như tiền đang chờ sẵn mình, chỉ cần nhắp chuột là sẽ có tiền gởi về cho mình.
Sướng mắt! Tôi bắt đầu mơ mộng, nhưng tôi vẫn còn hoài nghi so đo và tính tóan. Hòai nghi là phải, bởi vì tôi là người đã từng thành công và thất bại trên thương trường. Tuy thế trong trường hợp này, tôi chẳng mất mát một xu nào, tại sao không thử?!

Sau khi mở riêng một nick name email mới cho riêng công việc này, và tôi cũng mở luôn một chương mục ngân hàng và một chương mục paypal để tiện việc thu tiền.
Suốt hơn 2 tuần lưỡng lự và nghiền ngẫm lời cô cháu gái nói: “Cứ xem như là mình đi làm ở công ty, sáng thức dậy café, ăn sáng rồi ép mình vô computer 8 tiếng đến 10 tiếng, cố gắng trả lời ít nhất 80 cái email mỗi ngày, tối thiểu mỗi email sẽ trả cho mình 2 dollars, có công ty trả cho mình 5 hay 8 dollars. Như thế mỗi ngày mình cũng kiếm được khá tiền và như thế một tháng tiền thu về cũng lớn lắm”.
Tôi tự nghĩ rằng với vốn liếng của người ở Mỹ lâu gần 30 năm như mình thế này, chắc chắn không có một trở ngại nào về vấn đề đọc email của những công ty thăm dò ý kiến (survey) và như thế chỉ can lướt mắt, nhắp chuột là ra tiến, sướng quá, dễ hơn ăn cháo! Thế là tôi nhập cuộc.

Thực tế thế nào?
Mới ngồi vào máy để khởi động công việc 15 phút, tôi nhắp chuột lia lịa để mở
Email. Email gởi đến hộp thơ của tôi tới tấp, đồng thời tôi cũng phải mở text từ cell phone để lấy nhận những mật mã (code) nạp vô thì mới được tiếp tục trả lời những câu hỏi kế tiếp. Ban đầu, tôi không muốn cho số cell phone của tôi, nhưng không cho thì lấy gì có mật mã để tiếp tục? Không lẽ một cái email mình đã trả lời đến 3/4 rồi lại bỏ vì muốn giấu số cell phone?
Tôi tiếp tục phóng lao phải theo lao, không nản chí chút nào. Tôi đã cày bừa công việc cho đến nơi đến chốn.
Chỉ hơn một tuần nhập cuộc với công việc Survey tôi đã nhận hàng ngàn email gởi đến, với những lời lẽ thật hấp dẫn: “5 phút, 5 Dollars”; “Nhận 9 Dollars từ công ty café …; “Nhận 20 dollars chỉ trả lời những câu hỏi liên quan đến các công ty bảo hiểm ….”. Nói chung những lời quảng cáo rất hấp dẫn, họ dựa vào những tên tuổi của những công ty nổi tiếng của Mỹ nói ra ai cũng biết. Cái tài tình của họ là dùng những tên tuổi đó một cách rất hợp pháp, nhưng khi đi sâu vô chi tiết thì chẳng qua là email quảng cáo bán hàng hơn là sự thăm dò ý kiến (survey). Quả thật bạn sẽ nhận được 9 dollars từ một hãng café và 20 dollars từ một công ty bán bảo hiểm, nhưng không phải tiền mặt mà là một cái coupon để khi bạn mua hàng của họ thì được giảm giá. Thật là chuyện huề vốn!

Kết luận: làm tiền từ công việc trả lời những email có tính cách thăm dò ý kiến của khách hàng chỉ là một sự lừa dối. Không đến một nửa phần trăm công ty sẽ gởi tiền cho mình và nếu có thì cũng chỉ nhận được 1 cho đến 2 dollars mà thôi. Như thế, nếu bạn trả lời 100 email, mất đến gần hai ngày thì may mắn lắm bạn mới nhận được vài dollars. Thế là cái mộng nhắp chuột để mỗi email kiếm được 2 dollars và 80 email mỗi ngày, một bài tóan giản do: mỗi ngày 160us dollars x 30 ngày = $4800 của tôi chỉ là hoang tưởng như chuyện mò kim dưới đáy biển.
Tuy nhiên đó cũng là bài học hết sức thực tế: cho dù người nhà có nói hay đến đâu, thì mình vẫn phải xét lại. Trước khi nhập cuộc tôi cũng đã tìm hiểu qua và cũng rất nghi ngờ, nhưng cô cháu nói hay quá làm tôi siêu lòng, hơn thế nữa tôi không phí mất tiền để gia nhập hội viên, cho nên tôi tò mò làm thử xem sao. Quả là một sự lừa đảo rất tinh vi nhắm vô những người đang cần tiền.

* Những khuyến mãi gây 'sốc'

Những chiêu khuyến mãi mập mờ, gian lận có thể mang lại lợi nhuận khổng lồ cho doanh nghiệp nhưng khiến không ít khách hàng "sốc" nặng, mất lòng tin.
Vừa qua, MobiFone tiến hành đợt khuyến mãi tặng 170% giá trị thẻ nạp gây sốc cho khách hàng… Rất nhiều khách hàng đã mua thẻ trông đợi được hưởng khuyến mại lớn, có người mua tới hàng triệu đồng. Tuy nhiên, do việc thông báo không rõ nên đã gây hiểu nhầm, đồng thời, việc thực hiện cam kết tặng 170% trị giá đã không diễn ra ngay khiến nhiều khách hàng bất bình…
Khuyến mại là một dạng hoạt động xúc tiến kinh doanh thông thường của các doanh nghiệp, được triển khai nhằm kích thích việc tiêu dùng, khuyến khích người tiêu dùng mua hàng hóa. Khuyến mại được tiến hành dưới nhiều hình thức và có thể thực hiện nhiều lần trong năm, nhất là giai đoạn sức mua giảm sút, cạnh tranh với chương trình khuyến mại của đối thủ hoặc để giải phóng sớm hàng tồn kho…
Khi người tiêu dùng thiếu niềm tin vào các chương trình khuyến mại thì hiệu quả từng chương trình của các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng. Ảnh: Hoàng Hà
Một mặt, khuyến mại khá hữu ích với người tiêu dùng, giúp họ mua được hàng hóa giá rẻ hơn mức thông thường, thứ mà họ khó tiếp cận nếu không có khuyến mại. Tuy nhiên, khuyến mại cũng có thể gây những tác dụng xấu đến thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp, khiến một lượng khách hàng nào đó bỏ đi, chuyển sang tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của đối thủ cạnh tranh; đôi khi nếu tiến hành không đúng đắn sẽ bị quy kết là lừa đảo hoặc có thể bị khách hàng kiện ra tòa án đòi bồi thường.
Hình thức khuyến mại đã có từ hàng trăm năm nay, và những trục trặc, những bê bối hoặc lừa đảo cũng không hiếm, ngay cả ở nhiều quốc gia tiên tiến. Ví dụ như vài năm trước, chính quyền bang New York (Mỹ) đã lập hồ sơ để kiện ngân hàng khổng lồ của Thụy Sĩ UBS về việc tiếp thị một số loại trái phiếu và quảng bá chứng khoán là an toàn và có thanh khoản cao, trong khi quan chức của ngân hàng này đua nhau bán ra, do biết trước thị trường sắp sụp đổ.
Hay năm 2005, một trong những trang web môi giới tình cảm nổi tiếng thế giới là Match.com đã bị cáo buộc về tội lừa đảo khi thực hiện thủ đoạn thuê người đóng giả "hẹn hò" với những khách hàng đăng ký tìm nửa còn lại của mình trên Match.com, nhằm dụ dỗ khách hàng tiếp tục trả phí 30 USD mỗi năm. "Nạn nhân" đâm đơn kiện là ông Matthew Evans, một khách hàng của Match.com, đã đi chơi vài lần với một phụ nữ rất hấp dẫn nhưng sau đó cô này thú nhận là được Match.com trả tiền để gặp ông.
Năm 2009, tại Việt Nam cũng xảy ra nhiều trường hợp khuyến mại của các doanh nghiệp lớn đã khiến khách hàng rất bất bình. Ví dụ, hãng sữa Abbott không đáp ứng hàng khuyến mại cho khách hàng tham gia chương trình như cam kết ban đầu. Hay cũng năm 2009, được quảng cáo là tặng đến 150% cho các loại thẻ cào, thuê bao di động Viettel vô tư nạp tiền vào tài khoản. Nhưng sau mới vỡ ra, số tiền khuyến mãi đó bị ràng buộc nhiều điều kiện oái oăm. Câu chuyện này cũng rầm rĩ một thời gian gây bất bình cho khách hàng. Những trường hợp khuyến mại như vậy không ít, không kể đến hàng trăm vụ lừa đảo thực sự của nhiều cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp nhỏ khác.
Không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, hiện tượng khuyến mại không rõ ràng, mập mờ gây hiểu nhầm cho khách hàng xảy ra khá thường xuyên. Xét về góc độ doanh nghiệp, những “chiêu’ khuyến mại như vậy có thể mang lại doanh số và lợi nhuận trong ngắn hạn nhưng về tổng thể, sẽ tác động không tốt đến chính doanh nghiệp. Một mặt, uy tín và quan hệ với khách hàng bị phá vỡ, nhưng quan trọng hơn, những hành động này có thể nuôi dưỡng một tâm lý thiếu trong sạch đối với chính đội ngũ nhân viên, nhất là đội ngũ marketing, khiến họ “vô thức” nuôi dưỡng tâm lý và cách hành xử không trong sáng để tìm ra những “chiêu” khuyến mại sạch, sáng tạo. Mặt khác, những kiểu khuyến mại như vậy sẽ nuôi dưỡng sự nghi ngờ của người tiêu dùng đối với các chương trình khuyến mại nói chung. Khi người tiêu dùng thiếu niềm tin vào các chương trình khuyến mại thì hiệu quả từng chương trình của các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các chiêu khuyến mại này có thể bị các đối thủ cạnh tranh lợi dụng bôi nhọ.
Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần nhìn lại mình. Đây là những bai học cho người tiêu dùng Việt Nam, họ cần tìm hiểu rõ hơn những quy định của các doanh nghiệp, và hiểu rằng các doanh nghiệp hoạt động vì động cơ tối đa hóa lợi nhuận nên các chương trình khuyến mại không phải là hoàn toàn tốt đẹp như họ nghĩ, mà thường có ràng buộc các quy định, điều kiện ẩn giấu mà đôi khi họ không chú ý đến. Người tiêu dùng cũng cần trưởng thành hơn, chín chắn hơn trong những quyết định mua của mình, để tự bảo vệ mình và tránh khỏi những rắc rối không đáng có.
Ở các quốc gia phát triển, khi đã hình thành một môi trường, văn hóa kinh doanh lành mạnh, các hoạt động bán hàng, khuyến mại… đều được quy định rõ ràng, chặt chẽ, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng. Nếu các doanh nghiệp thực hiện không đúng, khách hàng có quyền kiện và cái giá phải trả, mức phí bồi thường có khi là rất lớn. Tôi cũng vừa nghe thông tin sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên cho ý kiến dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước khi trình Quốc hội tháng 5. Một bộ Luật bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng tốt với một cơ chế thực thi hiệu quả sẽ mang lại một hành lang pháp lý đúng đắn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Nguyễn Cảnh BìnhChủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Sách Alpha

* 'Thổi' thương hiệu bằng nhân viên

Cậu thanh niên thích thú dán đề can logo công ty lên xe của mình. Một nữ nhân viên bất cứ khi nào có dịp đều khoe về môi trường, văn hóa công ty với bạn bè. Cả hai đều thể hiện sự yêu quý và tự hào về công ty của họ.
>Khách hàng chưa phải là thượng đế \ Vừa bán hàng vừa dọa khách
Khách hàng nhận biết và tin tưởng một thương hiệu đa số bắt nguồn từ lần tiếp xúc đầu tiên với sản phẩm, dịch vụ - mà nhân viên là người trao cho họ. Vậy, để nhân viên tin yêu và tự hào về thương hiệu công ty để “lan truyền” đến khách hàng thì chính ban lãnh đạo phải giúp họ thấu hiểu về sản phẩm, về văn hóa công ty cũng như những yếu tố cấu thành nên thương hiệu.
Trong công tác xây dựng thương hiệu của công ty, nhân viên kinh doanh hoặc nhân viên chăm sóc khách hàng là những người tiên phong bởi họ trực tiếp làm việc và phục vụ khách hàng. Thế nên, nhóm nhân viên này cần được đào tạo kỹ lưỡng, chuyên nghiệp.
Hãy nhìn cách nói chuyện cộc lốc, thiếu quan tâm của nhân viên kinh doanh khi trình bày với khách hàng về sản phẩm, thái độ thờ ơ của nhân viên giao dịch hay sự mất bình tĩnh của nhân viên chăm sóc khách hàng khi nhận lời phàn nàn của khách hàng... Tất cả những điều này sẽ đem về một điểm trừ to tướng về thương hiệu công ty.
Tiếng lành đồn xa, tiếng xấu còn đồn xa hơn. Chỉ cần nhân viên của bạn mắc những lỗi tương tự như vậy thì thương hiệu công ty sẽ mất dần theo thời gian.
Xây dựng thương hiệu nội bộ
Bên cạnh các kênh thông tin về quảng bá thương hiệu gắn liền với các biểu trưng logo tại khu vực cộng đồng; quảng cáo trên truyền hình - báo chí; tổ chức sự kiện... thì việc xây dựng thương hiệu nội bộ là rất quan trọng.
Việc tạo ra mối liên kết giữa thương hiệu với nhân viên trong công ty sẽ tạo nền tảng vững chắc để phát triển thương hiệu mạnh ngoài thị trường. Lãnh đạo công ty cần có những kế hoạch rõ ràng trong tuyển dụng, đào tạo nhân viên đảm bảo văn hóa cá nhân phù hợp với tính cách, văn hóa công ty. Chú ý những nguyên tắc sau:
- Thẳng thắn, trung thực khi truyền thông thương hiệu đến nhân viên. Đó không chỉ là phương pháp xây dựng lòng tin với thương hiệu mà còn giúp cho nhân viên cảm thấy mình người quan trọng trong chiến lược phát triển công ty. Điều này là cơ sở để xây dựng lòng tin và thiện chí của khách hàng, đối tác sau này.
- Rút ngắn khoảng cách giữa nhân viên với ban lãnh đạo, nhân viên với nhân viên bằng những chương trình, hội thảo hoặc những dịp như tôn vinh nhân viên nỗ lực, ngày hội nhân viên... Đây là cơ hội để ban lãnh đạo chia sẻ định hướng phát triển thương hiệu và hoạch định thực hiện. Trong các hội thảo, ghi nhớ nên dành thời gian lắng nghe nhiều hơn bởi đây là dịp nhân viên chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm trong quá trình trực tiếp làm việc với khách hàng. Chính trong những buổi nói chuyện như vậy, đội ngũ bán hàng sẽ giúp các nhà quản lý có được những ý tưởng mới về xây dựng thương hiệu.
- Khen thưởng những nhân viên xuất sắc trong phát triển thương hiệu công ty: đó là những người có sáng kiến hiệu quả, những ý tưởng hay cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu; hoặc là nhân viên tạo được hiệu quả công việc từ sự nhiệt tâm và hết lòng vì khách hàng…
Để kết lại bài viết này, tôi chia sẻ hai trong số những câu chuyện về xây dựng thương hiệu công ty từ nhân viên mà tôi khá tâm đắc.
Câu chuyện thứ nhất: Tại một cửa hàng thức ăn nhanh ở bang Florida (Mỹ), nhằm làm hài lòng vị khách yêu cầu loại thức uống mà cửa hàng vừa bán hết, một nhân viên phục vụ đã đi bộ 5 phút để mua về lon Diet Coke. Lon nước được đặt trên bàn trong sự ngỡ ngàng và biết ơn của vị khách hàng… Về sau, anh chàng đó trở thành người quản lý chuỗi các cửa hàng McDonald’s tại bang này.
Câu chuyện thứ hai: Một nhân viên thu ngân đã đem về cho siêu thị nơi mình làm việc một hợp đồng cung ứng nội thất trị giá vài triệu đô la chỉ bởi cô đã vô tình “ghi điểm” khi trả tiền giúp một vị khách - con trai một doanh nghiệp lớn đang có ý định tìm đối tác cung cấp nội thất mới cho công ty. Thay vì bảo khách phải tự đi đổi tiền rồi lại xếp hàng đợi thanh toán vì anh ta chỉ mua lẻ vài quả banh tennis, cô đã móc tiền túi trả 3 đôla và 82 xu vì anh ta không có tiền lẻ. Hành động đó để lại ấn tượng sâu sắc cho anh chàng đến nỗi anh khẳng định với bố mình “Có những nhân viên như thế thì chắc chắn siêu thị đó rất đáng tin cậy” rồi thuyết phục ông đặt hàng tại đó.
Hai câu chuyện về tinh thần phục vụ khách hàng hết mình cũng là bài học Xây dựng thương hiệu công ty sâu sắc. Đồng thời, nó nhắc nhớ rằng “Sự trân trọng nhân viên và những hành động của họ đối với khách hàng là một bí quyết xây dựng thương hiệu đơn giản nhưng rất hiệu quả”.
Đoàn Thiên Hưng

* Chiêu 'bẩn' trong kinh doanh

Cài cắm gián điệp để nắm bắt tình hình hoạt động công ty khác, ép giá, tung tin đồn… được nhiều doanh nghiệp sử dụng để diệt đối thủ trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Giới kinh doanh địa ốc miền Bắc lâu nay không lạ gì chiêu của các 'cò' thuộc diện cỡ bự. Một nhà môi giới thuộc hàng đại gia thường có trong tay vài đệ tử chuyên làm nhiễu thị trường. Khi cần mua vài căn nhà ở một khu phố, nếu đàm phán với tất cả các hộ gặp khó khăn, đại gia này chỉ tung tiền mua một căn, rồi đưa người đến ở, gây rối. Việc phá đám này sẽ kết thúc cho đến khi nào hàng xóm không chịu nổi phải bán nhà.
Khi muốn nâng giá, nhóm tung tiền ra mua gom hàng loạt nhà, rồi giả mua đi bán lại với các mức cao ngất ngưởng, tung tin tạo tâm lý khu đó đang sốt đất. Khi có người bên ngoài đến hỏi mua, trong khoảng thời gian nhất định, nhóm quyết không bán ra ngoài, gây khan hiếm ảo và đẩy giá lên thật cao mới bán.
Trong lĩnh vực quảng cáo, ngoài việc ngụ ý xỏ xiên, "hiểm" hơn, có doanh nghiệp còn bê cả biển quảng cáo công ty mình treo trước cửa văn phòng đối thủ cạnh tranh. Chưa hết, doanh nghiệp này còn cử nhân viên gọi điện mời khách hàng của đối thủ tới ký lại hợp đồng cung cấp dịch vụ. Chỉ có điều, nơi mà khách hàng được hướng dẫn đến "ký lại hợp đồng" là chi nhánh doanh nghiệp này.
Giữa năm 2009, rất nhiều khách hàng dùng di động cực kỳ bức xúc vì tin nhắn quảng cáo gửi từ các sim rác. Cũng vì thế, các hãng viễn thông quyết định mở đợt "truy quét" các thuê bao làm phiền khách hàng, đồng thời tuyên bố sẽ cắt liên lạc với đầu số cung cấp dịch vụ nội dung bị quá nhiều khách hàng phản ánh có trong tin nhắn rác.
Trong đợt truy quét này, có ít nhất 2 nhà cung cấp nội dung bị một hãng viễn thông lớn cắt đầu số nhưng không phải do họ gửi tin nhắn rác. Giám đốc doanh nghiệp bị cắt đầu số bức xúc: "Đây là trò bẩn của đối thủ cạnh tranh". Ông khẳng định đã có ai đó mua sim rác sau đó gửi một loạt tin nhắn tới các thuê bao di động. "Trong nội dung tin nhắn có để đầu số do công ty kinh doanh. Thế là chúng tôi dính chưởng", ông nói.
Cuối năm 2008, thị trường hàng không đón nhận sự ra đời của 2 hãng tư nhân. Thế nhưng, hãng hàng không đầu tiên cất cánh đã nhanh chóng rơi vào tình cảnh nợ nần và có nguy cơ bị rút giấy phép, sau đúng một năm hoạt động. Ngoài lý do thiếu kinh nghiệm, sức ép cạnh tranh của thị trường, còn do các chiêu cạnh tranh cực "độc" khác.
Đối thủ cạnh tranh xây dựng một "đội quân tác chiến" nằm tại sân bay và cài cắm vào nội bộ doanh nghiệp để thăm dò tình hình đối phương. Mọi sự cố hoạt động nhỏ nhất của doanh nghiệp này từ việc hoãn hủy chuyến bay, khách hàng phàn nàn, hay chuyện phòng vé bị mất điện, mất nước... đều được đối thủ cập nhật chi tiết và tung ra bên ngoài.
Chủ một đại lý bán vé máy bay ở Hà Nội tiết lộ với VnExpress.net hiện có nhiều đại lý đang hoạt động kiểu “2 mang”. Nghĩa là họ làm đại lý cấp I cho một hãng hàng không nọ nhưng kiêm luôn đại lý cấp 2 cho một hãng khác. Thông thường khi chính sách giá vé của hãng này ban hành và chuyển tới đại lý, những người này cũng làm nhiệm vụ chuyển tiếp tới hãng đối thủ để nghiên cứu.
Khoảng 70% vé bán ra từ các đại lý. Chính vì vậy, việc nâng hoa hồng cho các đại lý cũng là chiêu mà doanh nghiệp sử dụng để gây sức ép với đối thủ theo kiểu "cá lớn nuốt cá bé".
Phan Linh Anh

* Cẩn trọng khi tìm đối tác qua thương mại điện tử

Ký hợp tác mua máy tính với một công ty Mỹ qua mạng, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó giám đốc Công ty công nghệ ứng dụng Việt Nhật nhầm phải công ty "ma".
Cách đây 4 năm khi mới chân ráo chân ướt bước vào lĩnh vực kinh doanh máy tính, ông Hùng ráo riết săn trên mạng để tìm kiếm nguồn hàng vì chưa có nhiều đối tác cung cấp hàng. Ông lần dò tìm được một doanh nghiệp tự xưng ở Mỹ, giới thiệu những sản phẩm rất tốt và giá cả phải chăng.
Ông tiến hành liên hệ và thương thảo hợp đồng. Vừa trao đổi về nhu cầu muốn nhập lô hàng máy tính gần chục nghìn USD, đối tác đã ngỏ ý sẽ giao cho ông với giá rất "bèo" để làm quen (thấp hơn giá thị trường lúc đó 30%), nhưng phải chuyển trước 50% tiền.
Ban đầu, ông rất mừng vì nghĩ đang gặp may. Nhưng sau đó bình tĩnh lại, vị Phó giám đốc này thấy bất an (vì giá quá rẻ). Ông quyết định lên Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam nhờ xác minh lại thông tin đối tác, mới hay đó là một công ty "ma". "Hú hồn! Nếu lúc đó mình ham rẻ và không bình tĩnh tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác thì đã làm miếng mồi ngon cho kẻ xấu", ông Hùng chia sẻ.
Vị lãnh đạo này thừa nhận, thương mại điện tử mang lại hiệu quả rất lớn về mặt chi phí, sự tiện lợi và phù hợp với tiềm lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bản thân công ty Việt Nhật tìm đối tác nước ngoài thông qua loại hình này chiếm tới 80-90% các hợp đồng. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng rủi ro và cạm bẫy của thương mại điện tử cũng rất nhiều nếu doanh nghiệp không thực sự tỉnh táo và minh mẫn.
Ông Nguyễn Tuyên, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Viet Seafood cho biết, trung bình một tháng công ty có khoảng 500 doanh nghiệp khắp nơi liên hệ đến và có khoảng 3% ký hợp đồng hợp tác. Sau đó, con số hợp đồng thành công trên thực tế còn lại khoảng 2% (10 doanh nghiệp).
Theo kinh nghiệm của ông, để có được thư hỏi hàng thường xuyên của đối tác, trang web của doanh nghiệp phải có nét riêng về hình ảnh sản phẩm cũng như luôn làm mới mình trên website. Điều quan trọng là hình ảnh đó phải xác thực như sản phẩm hiện thực, tuyệt đối không nên xử lý quá nhiều tạo cho khách hàng cảm giác hàng mẫu chứ không như thực tế.
"Ngoài ra, cần phải đảm bảo đủ số lượng hàng cho những sản phẩm mình đã đăng trên website. Đó chính là điểm để mình tạo uy tín với đối tác", ông Tuyên nói.
Phó tổng giám đốc của một công ty mỹ nghệ tại TP HCM cho biết, vào đầu năm, doanh nghiệp ông có hợp tác với một công ty Singapore. Sau khi ký hợp đồng và tiến hành giao hàng, đối tác bất ngờ đổi ý và huỷ hợp đồng với lý do mẫu mã sản phẩm không đúng như công bố trên website. "Lúc đó, công ty như 'sống dở chết dở' vì đã lỡ sản xuất ra lượng hàng hoá lớn", ông nói.
Theo vị này, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay chưa dám mạnh dạn sử dụng thương mại điện tử trong những thương vụ trị giá hàng triệu USD với một đối tác không biết mặt. Vì khâu xác định thông tin của đối tác vẫn là vấn đề khó. Trong một "rừng" khách hàng tìm đến, họ ở khắp nơi trên thế giới nên rất vất vả để kiểm chứng thông tin.
Nhằm giúp doanh nghiệp phần nào giải toả những vướng mắc về thương mại điện tử, đầu tháng 1 vừa qua, Viện tin học doanh nghiệp (ITB) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Tập đoàn Alibaba.com và công ty OSB triển khai chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường APEC và châu Phi thông qua thương mại điện tử”.
Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua xuất hiện không ít hành vi lừa đảo thông qua thương mại điện tử rất tinh vi như mạo danh cơ quan, Chính phủ để lấy uy tín, sử dụng website hoặc sử dụng các giấy phép xuất nhập khẩu của nước sở tại được chỉnh sửa… nhằm trục lợi.
Đại diện Bộ Công Thương khuyến cáo, để tránh bị lừa, doanh nghiệp phải tự điều tra kỹ thông tin đối tác trước khi hợp tác. Ngoài ra, có thể nhờ các cơ quan chức năng về lĩnh vực liên quan như Bộ Công thương... để được tham mưu; hoặc nhờ cơ quan đại diện nước sở tại xác nhận lại thông tin trước khi đầu tư, hợp tác.
Còn ông Tuyên cho rằng, để đánh giá độ tin cậy của đối tác và không bị các phần tử xấu lợi dụng thông qua hình thức này, doanh nghiệp cần đánh giá độ xác thực của đơn hàng mà khách hỏi về thông số kỹ thuật, quy cách sản phẩm, giá cả …Đồng thời, hình thức thanh toán cũng là điều kiện tiên quyết để tránh rủi ro. "Nếu muốn đi mua một con Voi mà trả lời như mấy ông thầy bói mù thì rõ ràng không phải là khách hàng muốn mua mặt hàng đó", ông Tuyên nói vui.
Ông Hùng bổ sung, nguyên tắc căn cơ để tránh bị lừa là không nên tham. Ngoài ra, đối với trường hợp nhập hàng, doanh nghiệp Việt Nam nên thương lượng nhận hàng trước, thanh toán sau. Ngược lại, với xuất khẩu thì nhận tiền xong mới giao hàng cho đối tác. "Đó là kế sách an toàn nhất", ông Hùng nhấn mạnh.
Lệ Chi

* Các quốc gia có tiền giấy đẹp nhất thế giới

David Standish, tác giả cuốn The Art of Money nói về lịch sử và thiết kế của những tờ tiền giấy trên toàn thế giới, chia sẻ về những tờ tiền đẹp này. Hình ảnh trên CRI Online.
Franc Pháp của các lãnh thổ ở khu vực Thái Bình Dương.
Người dân ở đảo quốc Maldives thuộc Ấn Độ Dương sử dụng tờ tiền Rufiyaa.
Quốc đảo nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ Sao Tome & Principe thuộc vịnh Guinea, châu Phi, dùng tờ tiền Dobras.
Đồng Francs của Thụy Sĩ.
Tờ tiền giao dịch của người dân trên quần đảo Comoros.
Tờ 5 đô la của New Zealand.
Đô la của người dân quần đảo Cook thuộc Nam Thái Bình Dương.
Đô la Hong Kong.
Đơn vị tiền của Iceland là Kronurs.
Cẩm Vân

* Sập công trình xây dựng trong khu Phú Mỹ Hưng

Sập công trình xây dựng trong khu Phú Mỹ Hưng
Hơn 8h sáng 1/9, trong lúc hơn 100 công nhân đang làm việc thì bất ngờ sàn bêtông lầu 1 của công trình Crescent Mall Shopping (khu đô thị phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM) đổ sập xuống.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng cứu hộ thuộc Sở Cảnh sát PCCC đã huy động nhiều cán bộ chiến sĩ có mặt tại hiện trường để cắt bỏ những khối bê tông hàng 100 tấn nhằm tìm kiếm nạn nhân bị mắc kẹt bên trong.
hinh anh
Hiện trường vụ sập sàn bê tông trong công trình xây dựng Khu Phú Mỹ Hưng. Ảnh: Hội An
Nhưng sau 2h tìm kiếm, Sở Cảnh sát PCCC TP HCM xác định không có người bị vùi lấp trong đống đổ nát. Hiện tại công trình Crescent Mall Shopping đã xây xong 3 tầng hầm và 1 tầng lầu thì xảy ra sự cố. Diện tích sàn bêtông bị sập đổ khoảng 215m2.
Chủ đầu tư của công trình này là Công ty Cổ phần Phú Mỹ Hưng, đơn vị thi công là nhà thầu China Stace Construction Engrg.Corp (Trung Quốc).
Thông tin ban đầu cơ quan chức năng thì nguyên nhân dẫn đến vụ sập có khả năng là do giàn giáo chống đỡ phía dưới tầng 1 của công trình quá yếu. Hiện các cơ quan chức năng đang làm việc với chủ đầu tư và nhà thầu để làm rõ nguyên nhân.
Hội An

* Trai làng hỗn chiến gây náo loạn vùng quê

Đêm 25/8, xóm chài ven biển xã Hòa Phú, Bình Thuận, náo loạn bởi tiếng la ó vang rền, gậy gộc, đá bay tứ tung. Hàng chục thanh niên lao vào đánh nhau với hung khí.
Theo các nhân chứng, nhóm của Nguyễn Văn Phước (sinh 1991, trú xóm 1, thôn Phú Thủy) đang chơi thì một người bị Trần Thanh Sơn (sinh 1985, ở xóm 8, thôn Phú Tân) đánh hai bạt tai. Phước can thiệp bằng cách cầm đá chọi trúng đầu Sơn khiến anh ta bị thương nhẹ. Ngay lập tức hai nhóm Phước - Sơn lao vào nhau. Do lực lượng ít hơn, nhóm Sơn yếu thế nên anh ta tuyên bố: “Mày hãy đợi đó”.
Sau khi băng bó vết thương xong, hơn một giờ sau Sơn rủ thêm bạn mang theo hung khí trả thù. Nhìn thấy hàng chục người của Sơn đằng đằng sát khí, nghênh ngang đi lại, người dân đã cấp báo cho lực lượng công an xã Hòa Phú.
Sáng hôm sau, người dân mới dám tụ tập ở hiện trường vụ trai làng đâm chém nhau. Ảnh: Lan Hương
Tuy nhiên, hai nhóm đã lao vào hỗn chiến trước khi công an xã có mặt. Với mã tấu, mác, gậy gộc, nhóm Sơn rượt đuổi nhóm Phước gây náo loạn cả xóm.
Nhóm Phước yếu thế tháo chạy, Nguyễn Văn Sáng bị đối thủ đuổi kịp chém vào người. Một người nữa trong nhóm là Nguyễn Thanh cũng bị thương. Riêng Phước chạy được vài chục mét thì bị nhóm của Sơn đuổi kịp chém nhiều nhát, trúng tim. Do vết thương quá nặng Phước đã tử vong trên đường đến bệnh viện, còn Sáng và Thanh bị thương nhẹ hơn nên sau khi sơ cứu đã ra viện.
Cơ quan pháp y và PC 14 tỉnh Bình Thuận có mặt tại tại hiện trường phối hợp với công an huyện Tuy Phong truy tìm những kẻ gây án. Theo công an xã Hòa Phú, Sơn và đồng bọn gồm Hồ Văn Hùng, Nguyễn Minh Kha bị bắt ngay trong đêm, những đồng phạm khác đang bỏ trốn.
Lan Hương

* Ngất xỉu khi bạn gái bị sát hại

Anh Nhật và bạn gái đang trên đường về nhà thì một nhóm thanh niên xông ra chặn đường, khống chế để cướp. Cô gái hoảng sợ kêu cứu liền bị chúng đâm chết, còn anh bạn ngất xỉu khi chứng kiến án mạng.
Ngày 31/8, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, một vụ án mạng xảy ra tại địa phận khu 3, xã Vĩnh Phú, huyện Phù Ninh khiến cô gái chị Nguyễn Thị Lan, 17 tuổi, tử vong.
Khoảng 21h ngày 30/8, chị Lan cùng anh Nguyễn Đức Nhật (20 tuổi) đi từ khu công nghiệp Thụy Vân về nhà tại xã Vĩnh Phú thì bị hai thanh niên chặn đường. Đám côn đồ xông đến khống chế anh Nhật, cướp đi một điện thoại di động cùng gần 200.000 đồng.
Hai tên tiếp lục soát người chị Lan tìm tài sản có giá trị. Cô thiếu nữ sợ hãi trước hành vi của kẻ cướp nên đã kêu cứu và bị chúng giết chết. Chứng kiến cảnh bạn gái chết trước mắt mình, Nhật ngất xỉu rồi được người dân đưa đi cấp cứu.
Cơ quan điều tra đang truy tìm hung thủ.
Hoàng Việt

* Giận mẹ, thiếu nữ 'trao thân' cho bạn trai

Sau khi cãi mẹ, cô gái bỏ đi, qua đêm cùng người yêu ở nhà nghỉ. Với "đêm trăng mật" cùng bạn gái chưa thành niên, cậu sinh viên đang bị điều tra tội giao cấu với trẻ em.
Chiều 26/8, Công an huyện Từ Liêm, Hà Nội cho biết đã tạm giữ Đinh Thế Tùng (22 tuổi, sinh viên cao đẳng) để làm rõ hành vi quan hệ tình dục với thiếu nữ 15 tuổi tên Thu.
Theo cơ quan điều tra, bà mẹ 34 tuổi trình báo Thu bỏ nhà đi từ ngày 24/8. Người phụ nữ cho biết, trước đó hai mẹ con có to tiếng, và chị đã mắng Thu nặng lời.
Cảnh sát sau đó phát hiện Thu đang ở cùng Tùng tại một nhà nghỉ trên đường Nguyễn Quý Đức. Tại cơ quan điều tra, Tùng cho biết qua chat, cậu ta và cô gái tuổi trăng tròn đã quen nhau, nảy sinh tình cảm.
Giữa tháng 8, Tùng ngỏ lời yêu Thu... Trưa 24/8, Thu gọi điện cho Tùng nói đang có rắc rối chuyện gia đình và bảo quyết định bỏ nhà đi... Hôm đó, tan học Tùng đưa người yêu về nhà bạn ăn cơm... Tối muộn, đôi tình nhân dắt nhau vào nhà nghỉ, "sống thử" như vợ chồng.
Nam Anh

* Ba sinh viên lĩnh án vì sát hại bạn học

Các bị cáo khóc rưng rức, tỏ ra hối hận vì không kiềm chế được bản thân nên gây ra cái chết của bạn học cùng trường.
> Nam sinh viên bị đánh chết trong kí túc xá
Ngày 31/8, TAND Quảng Bình tuyên phạm tội giết người với Phạm Văn Thản, Đinh Hoàng Sang, Nguyễn Tiến Vương (3 sinh viên, cùng 21 tuổi) và Phan Anh Tuấn.
Các bị cáo được cảnh sát dẫn giải về trại giam. Ảnh: Hưng Nguyễn.
Các bị cáo được cảnh sát dẫn giải về trại giam. Ảnh: Hưng Nguyễn.
Theo cáo trạng, đêm 19/10/2009, tại ký túc xá Đại học Quảng Bình, các sinh viên phòng 31B tổ chức tiệc, ca hát mừng ngày Phụ nữ Việt Nam. Tuấn được mời đến dự. Sau khi các bạn gái ra về, cậu sinh viên 22 tuổi Nguyễn Văn Cừ vào phòng, muốn cùng uống rượu.
Do mâu thuẫn từ trước, Thản, Sang, Vương và Tuấn xông vào đánh. Sau trận đòn, Cừ tử vong.
Tại phiên tòa, các bị cáo tỏ ra hối hận. Họ cho rằng vì rượu nên không làm chủ được bản thân. Việc đánh chỉ có ý dằn mặt chứ không cố tình giết người.
HĐXX tuyên Thản và Vương mỗi người 6 năm tù. Sang và Tuấn nhận 5 và 3 năm tù. Các bị cáo bồi thường cho gia đình nạn nhân 80 triệu đồng.
Hưng Nguyễn

* Tòa nhà cao nhất Việt Nam có thể lên tới 600m

Trong số các phương án nâng tầng cho tổ hợp Lotus do Tập đoàn Kinh Bắc làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn đưa ra một thiết kế với chiều cao lên tới 600m.
> Đại gia chứng khoán xây khách sạn 100 tầng
> Đại gia đua xây nhà chọc trời
Dự án Lotus là công trình phức hợp đa chức năng gồm trung tâm thương mại, vườn treo và khách sạn 6 sao với hàng nghìn phòng ốc hiện đại. Lotus được thiết kế bởi hãng Foster + Partners theo dạng phân khu chức năng riêng biệt để lấy ánh sáng, gió trời tự nhiên. Dự kiến, công trình có số vốn đầu tư trên dưới 1 tỷ USD
Chủ đầu tư Tập đoàn Kinh Bắc đã đưa ra 24 phương án nâng tầng cho dự án Lotus. Trong đó có phương án xây tòa nhà chọc trời lên tới hơn 600m. Phương án xây tòa nhà thấp nhất là 120m, trông nhỏ xinh giống như chùa Một Cột. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, do nền đất ở khu vực Mễ Trì, Từ Liêm yếu, phương án tòa nhà 400m được coi là khả thi nhất.
Mặc dù đã họp bàn 2 lần, song đến nay, Hà Nội vẫn chưa có quyết định chính thức về đề xuất xin nâng tầng của tòa nhà này.
Một số mẫu như hình hoa sen, bông lúa, chùa Một Cột và sông Hồng đang được nhà đầu tư và công ty tư vấn thiết kế nghiên cứu chọn làm biểu tượng cho tòa nhà. Theo nguồn tin của VnExpress.net, biểu tượng bông lúa đang được phía chủ đầu tư ưa thích nhất. Bởi Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gạo và cây lúa gắn với hơn 80% dân Việt Nam. Bông lúa cũng tượng trưng cho sự no đủ thịnh vượng.
Ảnh: Hoàng Hà
Huyện Từ Liêm (Hà Nội) sẽ là nơi mọc lên nhiều tòa nhà chọc trời. Ảnh: Hoàng Hà.
Sau khi chọn biểu tượng, Tập đoàn Kinh Bắc sẽ tổ chức triển lãm để người dân tham khảo và đóng góp ý kiến. Dự kiến, Tập đoàn Kinh Bắc sẽ công bố biểu tượng, mẫu của cho tòa nhà này trong dịp mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long.
Trước đó, dự án Lotus do Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) làm chủ đầu tư, có số vốn 500 triệu USD cao 15 tầng. Khi gặp khó khăn về tài chính, chủ đầu tư đã xin rút khỏi dự án và chuyển giao cho Tập đoàn Kinh Bắc.
Hiện tòa nhà do Tập đoàn Kinh Bắc làm chủ đầu tư sẽ cạnh tranh ngôi vị cao nhất Việt Nam với tòa nhà PVN Tower của Tập đoàn Dầu khí.
Trước đó, tòa nhà PVN Tower cao 102 tầng tại Mễ Trì, Từ Liêm dự kiến cao 400 m cũng đang lựa chọn kiến trúc sư thiết kế. PVC dự định sẽ lựa chọn một trong ba kiến trúc sư nổi tiếng thế giới, gồm: Kiến trúc sư César Pelli, người Argentina, đã thiết kế tòa tháp đôi Petronas (Malaysia) cao 452m. Kiến trúc sư Adrian Smith, người Mỹ, đã thiết kế tòa tháp Dubai cao nhất thế giới - cao 828m (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất). Kiến trúc sư Karl Fender, người Australia, đã thiết kế tòa tháp Eureka (cao nhất Australia).
Cuộc chạy đua giành danh hiệu tòa nhà cao nhất Việt Nam vẫn chưa đến hồi kết khi các đại gia phát triển bất động sản thay nhau công bố dự án với số tầng kỷ lục. Giới chuyên gia đánh giá, ngôi vị cao nhất Việt Nam chỉ được phân định khi cả hai dự án được hoàn thành. Trước đó, tòa tháp Keangnam cao 336m gồm 70 tầng đang thi công giữ vị trí tòa nhà cao nhất Việt Nam.
Hoàng Lan

Độc chiêu lăng xê của tỷ phú

Dù đã trở thành người giàu có hàng đầu thế giới, một số tỷ phú vẫn cảm thấy chưa nhận đủ sự chú ý của bàn dân thiên hạ.
Tạp chí Forbes liệt kê hàng loạt tỷ phú thích quảng bá tên tuổi, trong đó 5 người dưới đây đứng đầu danh sách.
1. Donald Trump (Mỹ)
Ảnh: Forbes.
Hình ảnh của nhà tỷ phú Mỹ có mặt ở mọi nơi, và ông thích điều đó. Tại thành phố New York có 13 toà nhà gắn với cái tên Trump và trên thế giới có ít nhất 20 toà nhà như vậy.
Trong gần một thập kỷ, Trump đã thực hiện chương trình truyền hình thực tế về chính ông mang tên “The Apprentice and Celebrity Apprentice”. Đó là nơi ông thể hiện sự toả sáng của mình về lòng can đảm, sự bướng bỉnh và việc sắp xếp các sản phẩm mình tạo ra. Ông dán cái tên Trump lên mọi thứ từ nước uống, rượu vodka cho đến quần áo và các khoá đào tạo kinh doanh trên mạng. Đương nhiên, ông được nhận tiền bản quyền hình ảnh khi một thứ gì có gương mặt ông được lấy khỏi các ngăn bày hàng hoá trong siêu thị.
Nhà tỷ phú Mỹ cũng luôn đưa ra những bình luận trên tivi mỗi khi các ngôi sao gặp chuyện gì đó. Khi ca sĩ Michael Jackson chết, Trump phát biểu: “Tôi biết anh ấy rất rõ. Anh ấy từng tới nhà tôi và chúng tôi bàn rất nhiều về kinh doanh". Với chuyện tay golf Tiger Woods "sưu tầm" hàng tá bồ nhí, ông nhận định: "Woods sẽ càng nổi danh hơn mà thôi".
2. Guy Laliberte (Canada)
Ảnh: Forbes.
Tỷ phú đồng sáng lập hãng giải trí Cirque du Soleil đã nâng nhu cầu được chú ý của bản thân lên một mức cao mới bằng việc bay vào vũ trụ. Vào tháng 10/2009 ông bay lên vũ trụ cùng các phi hành gia Nga để tham quan Trạm Không gian quốc tế trong hai tuần. Chi phí cho chuyến đi này là 30 triệu USD.
Chuyến đi được quảng cáo khá rầm rộ - trong đó có cả chương trình truyền hình trực tiếp của ban nhạc U2 nhằm thu hút sự chú ý của dư luận đối với Quỹ One Drop, tổ chức bảo vệ nước sạch do Laliberte sáng lập.
3. Richard Branson (Anh)
Ảnh: Forbes.
Ông chủ tập đoàn Virgin (Anh) lên kế hoạch sử dụng tàu vũ trụ tư nhân để khai phá dịch vụ du lịch không gian. Con tàu sẽ thực hiện những đợt thử nghiệm trong năm 2009 và cung cấp các chuyến du lịch vũ trụ vào không gian từ năm 2012. Giá vé là 200.000USD một khách.
Sự nghiệp của Branson được thúc đẩy nhờ sức mạnh truyền thông. Ông đã vượt Đại Tây Dương trên một khinh khí cầu màu đỏ in thương hiệu Virgin, phá vỡ các kỉ lục tốc độ với một thuyền máy cao tốc và thực hiện một chương trình truyền hình thực tế ngắn mang tên “Nhà tỷ phú nổi loạn”.
4. Warren Buffett (Mỹ)
Ảnh: Forbes.
Nhà đầu tư Warren Buffett là người giàu nhất trong số những tỷ phú ưa thể hiện. Ông chủ tập đoàn Berkshire Hathaway thường xuất hiện trên kênh truyền hình CNBC để đưa ra quan điểm về kinh tế và đầu tư. Ông có 40 tỷ USD khi tạp chí Forbes thông báo danh sách 400 người giàu nhất Mỹ hồi tháng 9/2009. Nhà tỷ phú còn xuất hiện trong loạt phim hoạt hình trên mạng mới để dạy trẻ em về tài chính.
5. Jerry Jones (Mỹ)
Ảnh: Forbes.
Ông chủ đội bóng đá Dallas Cowboys, Jerry Jones cũng chiếm một vị trí trong danh sách này nhờ việc tận dụng mọi cơ hội để xúc tiến việc mở sân vận động “Những chàng cao bồi” mới trị giá 1,2 tỷ USD vào tháng 9 tới. Ngoài các buổi phỏng vấn dành cho những hãng tin thể thao cùng mạng video của trang Forbes.com, Jones cũng làm một chương trình quảng cáo về sân vận động trên kênh CNBC.
Jones đã tổ chức một buổi đấu bóng rổ ở sân vận động mới và đang lên kế hoạch tổ chức một giải đấu quyền Anh. Ông xuất hiện trong một chương trình truyền hình thực tế mang tên 4th and Long. Chương trình này ra đời một năm sau khi Jones đóng vai chính trong một chương trình truyền hình thực tế về chính bản thân ông, mang tên Hard Knocks (Những cú đấm thép).
Thúy Hòa

* Biết tôn trọng khách hàng lợi nhuận ắt tự đến

Trong kinh doanh, một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh chưa chắc “đọ” được với doanh nghiệp biết lượng sức mình và linh hoạt trong hợp tác với khách hàng.
Bài học từ binh pháp Tôn Tử luôn đúng trong kinh doanh và một trong những quy tắc cần nhớ là coi trọng mối quan hệ giữa người và ta. Không phải mặc nhiên mà đối tác, khách hàng (người) rất được coi trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp (ta). Dưới đây là một số kinh nghiệm để chinh phục khách hàng ngay trong lần hợp tác đầu tiên.
Tạo bầu không khí thân thiện
Dù là môi trường trang trọng tại công sở hay không gian tiếp khách thân mật ở tiệc chiêu đãi, bạn đều phải thể hiện sự chân thành và trân trọng mối quan hệ hiện có với đối tác. Phải tế nhị trong ứng xử và rèn luyện kỹ năng nắm bắt tình hình, thái độ của khách hàng qua ánh mắt, nét mặt, câu từ - để linh hoạt trong trò chuyện và thay đổi chủ đề phù hợp. Giảm nhẹ sự căng thẳng (nếu có) bằng những câu chuyện ngoài lề, gần gũi trước khi đi vào nội dung chính như hỏi thăm về cuộc sống, quê quán, sở thích… “Thêm một người bạn là thêm một cơ hội”, với suy nghĩ đó cùng sự tự nhiên, chân thành bạn sẽ dần được sự quý mến từ đối tác.
Nhớ lần tiếp khách với các doanh nhân Trung Quốc, mặc dù có thông dịch viên nhưng tôi vẫn cố gắng học rất nhanh những câu nói thông dụng - để rồi khi tôi mời rượu khách bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của họ mà không bị sai trong phát âm, cuộc trò chuyện trở nên rôm rả và gần gũi hơn.
Lưu ý tránh làm mất thời gian của đối tác với những câu chuyện rề rà về quy mô công ty hay giới thiệu quá nhiều về sản phẩm của mình. Trong tiếp xúc trao đổi, luôn tâm niệm cách hành xử: “Tôn trọng người khác - nhưng không hạ thấp mình”.
Bình đẳng trong trao đổi hợp tác
Tự tin, khiêm nhường trong hợp tác là thái độ mà các chuyên gia đàm phán thành công thường áp dụng. Mặc dù việc có được khách hàng với những hợp đồng mang lại lợi nhuận cho công ty là điều cần thiết, nhưng nên nhớ rằng “bạn mới chính là chuyên gia”. Khách hàng tìm đến bạn cũng bởi họ cần sự tư vấn và muốn tìm một đối tác thật sự; hoặc bởi sản phẩm, dịch vụ của bạn cần cho họ. Chính vì thế bạn đừng tỏ ra quá phục tùng, thỏa hiệp với mọi yêu cầu của khách hàng. Ghi nhớ rằng chỉ gật đầu khi thỏa thuận đưa ra là hợp lý và bạn thực hiện được những cam kết về thời hạn cung ứng, chất lượng dịch vụ - sản phẩm…
Sẽ có nhiều lần câu phản đối quen thuộc của khách hàng là “Giá đó quá đắt, tôi có thể làm việc với công ty A, B để được mức chi phí rẻ hơn…” thì bạn hãy để cho khách nói hết ý kiến của họ.
Bạn chỉ chăm chú lắng nghe và gật đầu đồng tình. Sau đó hãy trả lời: “Tôi hoàn toàn đồng ý với điều đó, tuy nhiên chất lượng cung ứng và sản phẩm của chúng tôi luôn tốt nhất đủ để tương ứng với mức giá tôi đã trình bày”. Từ đó, bạn tiếp tục dẫn dắt khách hàng vào chi tiết vấn đề.
Binh pháp Tôn Tử có dạy rằng, trong chiến tranh, người tướng giỏi biết chọn đúng trận địa và đến trước tiên chứ không phải là tướng có binh lính đông hơn. Tương tự, trong kinh doanh, một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh chưa chắc đọ được với doanh nghiệp biết lượng sức mình và linh hoạt trong hợp tác với khách hàng. Cho nên, xây dựng tâm thế ngang sức là cách để ghi điểm cộng trong mối quan hệ với đối tác.
Suy nghĩ Win
Điều khó nhất trong nghệ thuật bán hàng, trong tiến trình ký kết hợp tác là đem lại giá trị tương ứng ngang nhau và quyền lợi cho cả đôi bên. Tức là khi bạn bán đi một giá trị (có thể là sản phẩm hoặc dịch vụ), bạn sẽ thu về một giá trị tương ứng, hợp lý, và 2 bên đều có lợi (win - win).
Đi chệch với nguyên tắc trên dẫn đến đàm phán thất bại. Vì thế, cần làm cho đối tác hiểu những quyền lợi của họ dưới góc nhìn của mình cũng như thế cân bằng trong hợp tác giữa hai bên. Điều này đem lại sự hợp tác bền lâu, dù ai cũng muốn tối đa lợi nhuận. Mỗi doanh nghiệp nên có những hành động thiết thực thể hiện sự quan tâm, tư duy win - win với đối tác, khách hàng.
Bên cạnh đó, có một nguyên tắc kinh doanh hơn cách trên một bậc đó là: Win (một số người gọi là Win - Win - Win). Tức là chúng ta không chú trọng quá mức đến những thứ mình sẽ nhận được mà cốt yếu là mang lại được điều gì cần thiết cho khách hàng. Và rộng hơn, chúng ta đem lại cái hữu ích cho cộng đồng, xã hội rồi lợi nhuận sẽ tự tìm đến sau đó.
Wall Mart đã áp dụng thành công cách này bằng cách bán hàng rẻ nhất cho người tiêu dùng - nhưng lợi nhuận tìm đến với họ cũng là nhiều nhất. Nguyên tắc này không dễ thực hiện, nhưng nếu làm được thì sự thăng hoa thương hiệu và gia tăng lợi nhuận là rất lớn.
Đoàn Thiên Hưng - Phó tổng giám đốc Nhân Luật Group

* Hái hai trái thanh long, một học sinh bị đánh đập dã man

Hái hai trái thanh long, một học sinh bị đánh đập dã man] Hái hai trái thanh long, một học sinh bị đánh đập dã man

(TNO) Sáng 30.8, chúng tôi có mặt tại thôn 1 xã Hàm Cần và tìm đến nhà bà ngoại của Mang Linh, học sinh lớp 7 Trường THCS Hàm Cần (một xã vùng cao của H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Cậu bé 14 tuổi này đã bị đánh đập dã man chỉ vì hái hai trái thanh long.

Vụ việc bắt đầu vào trưa hôm 25.8, sau khi tan học, Mang Linh đi bộ về nhà.

Trên đường về, Linh lén vào một vườn thanh long hái hai trái ăn. Vừa hái xong thì chủ vườn xuất hiện và đánh đập em sưng mặt mày, bầm tím cả người. Đáng nói là chủ vườn thanh long còn bắt em Linh ăn hết cả vỏ, cả dây hai trái thanh long.

Chị Lương Thị Duy Sinh, 29 tuổi, nhà sát vườn thanh long, nơi xảy ra sự việc, chứng kiến gần như từ đầu đến cuối kể lại: Tôi thấy có tiếng khóc lóc van xin, vội chạy ra xem.

Tin nóng hôm nay

>> Giang hồ đất Cảng chém chết người ở TP.HCM

>> Hai con voi bị chặt trộm đuôi

>> Tranh luận nảy lửa về "lúa 3.000 năm"



Một hình ảnh đau lòng đập vào mắt tôi. Một em học sinh đang quì lạy ông chủ vườn xin tha mạng. Còn ông chủ vườn thì cứ tay tát vào mặt, chân đạp vào lưng em, miệng chửi bới um xùm. Ông ấy nói “tao bắt được quả tang mày ăn trộm, bây giờ mày phải ăn hết hai trái thanh long này” và cứ đấm đá bắt ép Linh phải ăn hai trái thanh long cả vỏ và dây thanh long dù còn dính cả gai. Linh sợ tái mặt, ăn vừa hết một trái thì bị ói ra lại mật xanh mật vàng. Ông chủ lại bắt Linh phải hốt lên, ăn lại cho hết!

Linh ăn sang trái thứ hai thì tôi không thể chịu được nữa và nói với Linh là "sao mày ngu thế, việc gì mày phải ăn", nhưng do quá sợ hãi Linh đã ăn gần hết trái thứ hai (vẫn ăn cả dây và vỏ) thì tôi lao đến giật trái thanh long mà Linh đang cố gặm dở dang vứt đi. Lúc này, ông chủ vườn thanh long quay sang chửi tôi và tấn công cả tôi".

Vườn thanh long, nơi Mang Linh hái hai trái và bị ông chủ vườn tra tấn

Chị Sinh nói, từ trước giờ chỉ thấy hình ảnh đó trong phim, nay thì thấy thật ngoài đời và hết sức căm phẫn trước hành động của ông chủ vườn thanh long kia. Sau khi ông chủ vườn bỏ đi, chị Sinh đã đưa em Linh về nhà. Được biết, ba Linh mất từ 7 năm trước, còn mẹ thì mất cách đây 5 tháng. Hằng ngày, Linh phải đi bộ 5km để đến trường.

Bà ngoại Linh gần 70 tuổi cho biết, Linh hiện phải đi chăn bò cho cậu kiếm thêm gạo giúp ngoại nuôi 5 đứa em. Chúng tôi lại sang nhà cậu của Linh để tìm hiểu. Linh nói vẫn còn đau và có ý định không đi học nữa vì sợ bị ông chủ vườn thanh long chặn đường đánh. Hiện mặt Linh bớt sưng, nhưng trong người vẫn có vết bầm tím và đau nhức không thể đi chăn bò được.

Mặc dù việc hái quả mà chưa xin phép của Linh là không đúng, tuy nhiên ông chủ vườn thanh long cũng không thể đánh đập em tàn nhẫn như thế.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, ông Nguyễn Văn Vui - Phó chủ tịch UBND xã Hàm Cần cho biết, ông đã biết mọi việc và yêu cầu công an xã lập hồ sơ cho Linh đi giám định thương tật và sẽ yêu cầu công an xã mời đương sự lên làm việc.

Tin, ảnh: Quế Hà